Những ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel Kinh tế năm 2023
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giải Nobel Kinh tế 2023 nhiều khả năng sẽ được trao cho các chuyên gia nghiên cứu về tín dụng, thị trường việc làm hoặc sự bất bình đẳng trong kinh tế lao động.
Giải Nobel Kinh tế được công bố vào lúc 16h45 ngày 9/10 (giờ Việt Nam) sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2023.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giải thưởng năm nay nhiều khả năng sẽ được trao cho các chuyên gia nghiên cứu về tín dụng, thị trường việc làm hoặc sự bất bình đẳng trong kinh tế lao động.
Trong số các học giả được đánh giá cao về cơ hội nhận giải Nobel Kinh tế năm nay nổi bật nhất là bà Claudia Goldin - Giáo sư người Mỹ hiện làm việc tại Đại học Harvard (Mỹ) và là chuyên gia về lịch sử lao động và kinh tế.
Bà Goldin được đánh giá cao với những nghiên cứu về vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động, sự chênh lệch giữa lương của nam giới và nữ giới, kể cả ảnh hưởng của yếu tố kinh tế.
Giáo sư Micael Dahlen thuộc Trường Kinh tế Stockholm Handelhögskolan (Thụy Điển) nhận xét: “Sự bình đẳng và yếu tố đa dạng luôn được đề cao và được hội đồng Nobel khuyến khích khi xét trao giải. Tuy nhiên, ưu tiên số một vẫn là lĩnh vực nghiên cứu, sau đó mới tới xác định danh tính của các ứng cử viên.”
Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, nghiên cứu của bà Goldin tập trung vào thị trường lao động và bình đẳng giới và điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Giới chuyên gia dự báo bà Claudia Goldin có thể sẽ cùng chia sẻ giải Nobel Kinh tế 2023 với ông Richard Blundell, chuyên gia người Anh về kinh tế học lao động.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có hai nữ học giả đoạt được giải Nobel Kinh tế, đó là nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ Elinor Ostrom (năm 2009) và nhà kinh tế học Esther Duflo (mang hai quốc tịch Mỹ và Pháp, năm 2019).
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Mikael Carlsson thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển) lại đánh giá cao công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học người Nhật Bản Nobuhiro Kiyotaki và nhà kinh tế học người Anh John H. Moore.
Giáo sư Dahlen cũng chia sẻ quan điểm này, đồng thời cho biết thêm rằng: “Nghiên cứu của họ (hai nhà kinh tế học Nobuhiro Kiyotaki và John H. Moore) đã cung cấp thông tin về chu kỳ lãi suất và thị trường bất động sản trong năm nay. Đây là những vấn đề mang tính thời sự rất cao.”
Viện Clarivate - nơi chuyên dự đoán về chủ nhân các giải thưởng Nobel khoa học - lại đặt niềm tin vào Giáo sư, nhà kinh tế học Thomas Piketty, tác giả cuốn sách "Capital in the Twenty-First Century" (Tư bản trong thế kỷ 21) nổi tiếng thế giới, đồng thời là một chuyên gia về lĩnh vực bất bình đẳng giàu-nghèo.
Trên thực tế, ông Thomas Piketty là cái tên thường được nhắc đến trong những năm gần đây. Nếu trở thành chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2023, ông có thể sẽ đứng tên giải thưởng này cùng nhà kinh tế học đồng hương Gabriel Zucman và nhà kinh tế học mang hai quốc tịch Pháp-Mỹ Emmanuel Saez.
Ngoài ra, Viện Clarivate cũng đề cập tới Giáo sư Kinh tế người Mỹ Raj Chetty với nghiên cứu về những các yếu tố quyết định cơ hội kinh tế và xác định các chính sách để tăng tính lưu thông xã hội; hay nhà kinh tế người Mỹ Edward L. Glaeser với những phân tích sâu sắc về kinh tế đô thị và các động lực tăng trưởng tại đô thị.
Các học giả Philippe Aghion (người Pháp), George Loewenstein, Kenneth Rogoff và Carmen Reinhart (đều là người Mỹ), cùng nhà kinh tế người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Daron Acemoglu cũng nằm trong số những gương mặt có tiềm năng đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay.
Giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895.
Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Từ năm 1969 tới năm 2022, đã có 54 giải Nobel Kinh tế được trao. Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90).
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học người Mỹ Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig, với những công trình nghiên cứu giúp nâng cao nhận thức về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính./.