Những ưu điểm người dân nên biết về căn cước công dân gắn chip
Thẻ căn cước công dân sử dụng chip điện tử có nhiều ưu điểm hơn thẻ hiện hành với độ bảo mật cao hơn và tích hợp thêm các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...
Hiện nay Bộ Công an đang đẩy mạnh việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân tại các địa phương với mục tiêu từ nay tới 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ.
Vậy thẻ căn cước công dân có những ưu điểm vượt trội nào so với các loại thẻ thông thường khác.
Căn cước công dân gắn chip có ích lợi gì?
Theo đại diện Bộ Công an, thẻ căn cước công dân sử dụng chip điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Thẻ này độ bảo mật cao hơn, lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn.
Đặc biệt, thẻ có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, thuế… và loại thẻ này phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác…
Khi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ. Người dân chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống; tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.
Có bắt buộc đổi thẻ căn cước công dân gắn chip?
Ngày 23/1/2021, Bộ Công an đã ban hành thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip. Theo đó, tất cả công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân từ ngày 23/1/2021 sẽ là đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân mới này.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, việc đổi sang căn cước công dân gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số căn cước công dân mã vạch trước đó. Thực tế, dãy số trên căn cước công dân gắn chip với số trên căn cước công dân mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ. Sau khi được cấp căn cước công dân gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số căn cước công dân trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.
Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 9 số trước ngày 23/1/2021 thì thẻ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc công dân không phải bắt buộc đổi thẻ căn cước công dân mã vạch, chứng minh nhân dân 9 số đang còn thời hạn sử dụng sang thẻ căn cước công dân gắn chip.
Giảm 50% lệ phí cấp căn cước công dân đến 30/6
Ở một diễn biến khác, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 112/2020/TT-BTC hướng dẫn mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch bệnh COVID-19. Theo đó, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% so với mức thu quy định tại thông tư 59/2019/TT-BTC. Mức giảm này thực hiện từ 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021.
Khi công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân thì mức thu lệ phí từ 30.000 đồng/thẻ sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng/thẻ.
Với trường hợp đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: Mức lệ phí từ 50.000 đồng/thẻ giảm còn 25.000 đồng/thẻ.
Trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam thì mức lệ phí 70.000 đồng/thẻ giảm còn 35.000 đồng/thẻ.
Từ ngày 1/7 trở đi, mức lệ phí cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân được thu theo mức thông thường quy định tại thông tư số 59/2019/TT-BTC.