Những vấn đề cần quan tâm khi bỏ giấy phép lái xe A1, B2
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC...
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật TTATGT đường bộ, trong đó có đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
Không còn GPLX các hạng A1, A4, B1, B2, E…
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ có 8 chương, 62 điều, gồm: Những quy định chung; Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Đặc biệt, tại dự thảo Luật này, Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC. Thay vào đó sẽ là các hạng giấy phép lái xe như A, A3, B, C1, C.
Cụ thể, dự thảo Luật có 13 hạng GPLX, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì không thay đổi, nhưng sẽ phân cấp các hạng GPLX khác nhau, sẽ không còn GPLX các hạng A1, A4, B1, B2, E…
Theo Điều 39 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:
Giấy phép lái xe hạng A2 dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50-175cm3; giấy phép lái xe hạng A dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A2; giấy phép lái xe hạng B dành cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe); xe ô tô tải không quá 3,5 tấn và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B2.
Dự thảo cũng quy định người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A2, A, A3, B; Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C1, C, BE; Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D2, C1E, CE.
Đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp GPLX hạng A2. Người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật được cấp GPLX hạng B.
Trường hợp xe được thiết kế, cải tạo số chỗ ít hơn xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương thì hạng GPLX được tính theo xe cùng kiểu loại, kích thước giới hạn tương đương.
Đề xuất bỏ bằng lái xe hạng A1, B1, B2 thì bằng lái xe cũ có phải đổi không?
Điều 62 dự thảo quy định, GPLX đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được tiếp tục sử dụng. Riêng các trường hợp GPLX được cấp lại do hết hạn, bị mất; hoặc GPLX được đổi do bị hỏng hoặc sai lệch thông tin ghi trên giấy phép lái xe và các trường hợp khác quy định tại Khoản 3 Điều 43 thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì người có bằng lái xe theo phân hạng cũ không phải đổi lại theo phân hạng mới, trừ những trường hợp bắt buộc đổi như trên.
Cấp đổi giấy phép lái xe theo phân hạng mới thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 62 dự thảo Luật TTATGT:
- Giấy phép lái xe hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng;
- Giấy phép lái xe hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1;
- Giấy phép lái xe hạng A đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A2;
- Giấy phép lái xe hạng B đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng B1, B2;
- Giấy phép lái xe hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng D;
- Giấy phép lái xe hạng D đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng E;
- Giấy phép lái xe hạng BE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FB2;
- Giấy phép lái xe hạng CE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe FC;
- Giấy phép lái xe hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD;
- Giấy phép lái xe hạng DE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FE.
Theo Bộ Công an, việc đề xuất thay đổi phân hạng GPLX để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát, nội luật hóa các quy định trong Công ước Viên năm 1968, vì Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới nên đề xuất này sẽ phù hợp với các hoạt động giao lưu, thương mại, học tập. Do đó, người dân Việt Nam và nước ngoài sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng GPLX tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.
Mời độc giả xem thêm video Gia tăng đột biến người xin cấp đổi Giấy phép lái xe sau Nghị định 100 có hiệu lực: