Những vấn đề còn trăn trở của ngành Y tế

Với công tác đi khảo sát thực tế ở 63 tỉnh, thành để tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.

Năm 2016, ngành y tế đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, đồng thời tiếp tục đầu tư, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến, kết hợp nhiều hơn giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại thông qua việc đổi mới hệ thống, luân phiên cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Nhìn lại những thành tựu và những mặt chưa được của ngành Y tế năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ, còn nhiều vấn đề trăn trở mà toàn ngành y tế phải nhìn nhận thẳng thắn là dù chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tăng, quá tải giảm, thái độ phục vụ có tốt lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Người dân còn phàn nàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế chưa cao…

Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới là cơ sở để đổi mới, thay đổi hoạt động của trạm y tế xã theo hướng thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, phải nhìn nhận rõ là hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên. Hiện nay, cả nước có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.

"Mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay là phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật, tư tưởng có bệnh mới chữa vẫn còn . Nhiệm vụ của ngành y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực" - Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh – sạch – đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh.

Chia sẻ về chiến lược thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ trưởng bày tỏ: "Với một xã hội phát triển thì tôi mong ước rằng mọi người dân đều có bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do bảo hiểm y tế chi trả. Người nào không có khả năng mua bảo hiểm y tế thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua bảo hiểm y tế".

Theo Bộ trưởng, hiện nay nguồn ngân sách cho y tế còn hạn hẹp, các dự án ODA ngày càng giảm mạnh trong khi nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao. Việc đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn xã hội hóa công tác y tế đã được triển khai nhiều năm và có kết quả đáng khích lệ, song việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức quản lý, tái đầu tư cho y tế còn là những vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện.

Về giảm quá tải bệnh viện và nâng cao sự hài lòng của người bệnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số nơi, một số cán bộ y tế chưa có chuyển biến tốt nên vẫn còn hiện tượng làm người bệnh không hài lòng. Bộ trưởng cũng cho biết, qua đợt kiểm tra một số bệnh viện, Bộ đã kỷ luật một số cán bộ y tế thuộc bệnh viện Trung ương. Do đó công tác truyền thông, giáo dục y tế và thanh tra, kiểm tra y tế cần phải tiến hành thường xuyên và phải nâng mức kỷ luật đối những cán bộ cố tình làm sai trái quy định và đạo đức của ngành.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề nan giải cần có sự tham gia của tất cả xã hội. Liên Bộ Công thương - Nông nghiệp - Y tế phải cùng quyết tâm triển khai nhiều biện pháp để thanh kiểm tra, giám sát nguồn gốc chất lượng thực phẩm để bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn đến người dân.

Bộ trưởng chia sẻ thêm, còn nhiều vấn đề nữa còn tồn tại của ngành y tế, không thể làm ngay hết được. Với vai trò là tổng tư lệnh của ngành Y tế, Bộ trưởng khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31692102-nhung-van-de-con-tran-tro-cua-nganh-y-te.html