Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ ở Đảng bộ Quân sự Hà Tĩnh
Luật Sĩ quan hiện hành quy định, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp trung tá, thiếu tá, đại úy lần lượt là 51, 48 và 46 tuổi như hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng và động cơ phấn đấu của mỗi cán bộ. Làm thế nào để từng bước giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của số cán bộ trong diện này luôn là vấn đề được Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh và các cấp ủy quan tâm đi tìm lời giải.
Bài 2:
“Chuẩn hóa” cán bộ để tạo nguồn vững chắc, ổn định, phát triển
Để tạo nguồn cán bộ vững chắc, ổn định và phát triển, Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh đã chủ trương “chuẩn hóa”, gắn với “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ, coi đây là giải pháp đột phá để từng bước khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn nhân lực có chất lượng. Đồng thời, từng bước kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi những bất cập về tuổi nghỉ hưu theo Luật Sĩ quan so với Bộ luật Lao động.
Trao cơ hội để cán bộ trẻ cống hiến, trưởng thành
Khảo sát thực tế ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, số sĩ quan trẻ chiếm khoảng 13-15% trong tổng số sĩ quan đang tại ngũ. Số cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường, ra trường hầu hết được bổ nhiệm đúng chuyên ngành, đúng cương vị chức trách, có sức trẻ, có trình độ năng lực chuyên môn, nhiệt huyết, năng nổ, có khát vọng vươn lên khẳng định mình.
Thượng tá Nguyễn Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Để xây dựng nguồn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực có thể phát triển lên cao hơn, cấp ủy, chỉ huy phải mạnh dạn giao việc khó, đột xuất cho sĩ quan trẻ; “thử lửa” qua các đợt diễn tập, huấn luyện, hội thi, hội thao... qua đó tạo điều kiện để họ có cơ hội phấn đấu, trưởng thành”.
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 2021 với bằng loại khá và được phong hàm trung úy, Trần Xuân Huỳnh (SN 1999, xã Phúc Trạch, Hương Khê) được điều về Trung đoàn 841 làm trung đội trưởng. Dù mới ra trường nhưng Huỳnh đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới 2 khóa liên tiếp (2022 và 2023). Kết thúc huấn luyện, Huỳnh được bổ nhiệm làm phó đại đội trưởng đơn vị dự bị động viên tham gia thực binh diễn tập khu vực phòng thủ năm 2023.
Hơn 2 năm ra trường về công tác tại đơn vị, với nỗ lực phấn đấu, tìm tòi học hỏi, được sự quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, giúp đỡ của cấp trên, đồng chí, đồng đội, dù trên cương vị công tác nào, được giao nhiệm vụ gì, Huỳnh cũng từng bước khẳng định là người cán bộ năng nổ, nhiệt huyệt và có năng lực toàn diện. Năm 2022, Trung úy Huỳnh được cấp trên tặng danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Còn với Trung tá Nguyễn Đình Hoàng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lộc Hà, việc anh cùng tập thể chỉ huy tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2023, đặc biệt là tham mưu thực binh huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định 30, 130 của Chính phủ được xem là “bước chạy đà” để sau diễn tập, anh được cấp trên điều động, bổ nhiệm chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 841.
Được biết, bình quân hằng năm, Trung đoàn 841 tiếp nhận từ 3-5 sĩ quan trẻ mới ra trường và cán bộ ở các đơn vị trong Bộ CHQS tỉnh mới được bổ nhiệm về nhận công tác. Trung tá Nguyễn Đình Hoàng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 841 cho rằng: “Đội ngũ sĩ quan trẻ khi được tin tưởng trao cơ hội, được quan tâm giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đều mong muốn mang hết nhiệt huyết, sáng tạo theo tinh thần “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung); không quản ngại khó khăn, hy sinh gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với “chuẩn hóa” cán bộ
Với phương châm: “Công tác cán bộ phải luôn chủ động đi trước, đón đầu và có chiến lược dài hơi”, Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, đột phá tạo nguồn cán bộ theo 4 hướng: “Tại chỗ; luân chuyển; đề nghị trên bổ sung và đi đào tạo về”. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ mới bổ nhiệm thì còn thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, kỹ năng quản lý, điều hành, xử lý tình huống và quản lý tư tưởng bộ đội, nhất là ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tìm lời giải bài toán trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị có kế hoạch phân công cán bộ có kinh nghiệm theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ. Bên cạnh đó, coi trọng phân loại trình độ, năng lực cán bộ chỉ huy, quản lý, nhất là với cán bộ trẻ mới ra trường, chuyển vùng và cán bộ mới được bổ nhiệm để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn theo phương châm “yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó”.
Nhằm tạo nguồn phát triển cân đối, có tính kế thừa, việc đánh giá, nhận xét đúng cán bộ để xem xét bố trí, đề bạt, bổ nhiệm các chức danh phù hợp gắn với mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực được xác định là chiến lược “dài hơi”. Trên cơ sở tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác để nhận xét, đánh giá cán bộ một cách khách quan, góp phần nâng cao tính khả thi trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Đại tá Phan Huy Tâm - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Muốn tạo nguồn cán bộ vững chắc, ổn định, cân đối và phát triển, cấp ủy các cấp cần chủ động làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn theo hướng bảo đảm cả về cơ cấu số lượng, chất lượng và hài hòa giữa 3 lớp nguồn: đương nhiệm, kế cận và kế tiếp. Đây là chìa khóa giải quyết tình trạng “dồn toa” của số cán bộ có quân hàm thiếu tá dẫn đến họ phải nghỉ hưu khi tuổi đời, tuổi nghề và kỹ năng, kinh nghiệm đang ở đỉnh cao độ chín”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bình quân hằng năm, Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh và các cấp ủy đã rà soát, bổ sung, quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp đối với 205 chức danh; đề nghị thăng quân hàm, nâng lương đối với 250 đồng chí. Riêng từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Đảng ủy đã đề nghị bổ nhiệm, điều động các chức danh đối với 243 lượt cán bộ các cấp; đề nghị thăng quân hàm, nâng lương đối với 325 sĩ quan các cấp, trong đó, thăng quân hàm trung tá và thiếu tá đối với 108 cán bộ.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan năm 1999 do Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức mới đây, hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cho rằng, so với xu thế hiện nay, luật đã bộc lộ nhiều điểm vướng mắc, bất cập, đặc biệt là quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là chưa hợp lý so với Bộ luật Lao động dẫn đến “lãng phí” một nguồn lực lao động mang tính đặc thù, có chất lượng.
Đại tá Võ Quang Thiện - Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Sĩ quan hiện hành cho phù hợp với tình hình và tính chất đặc thù của lao động đặc thù, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cho sĩ quan cấp trung tá trở xuống so với Bộ luật Lao động trong tình hình hiện nay là nhu cầu bức thiết không chỉ của sĩ quan ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh mà còn là nhu cầu chính đáng của đội ngũ cán bộ trong quân đội hiện nay. Đây là cơ sở để đội ngũ cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đây cũng là cơ sở để thu hút nhân tài vào quân đội”.