Những vấn đề gì sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh Biden-Putin?
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ có rất nhiều vấn đề cần thảo luận trong cuộc gặp trực tiếp tại Geneva bên cạnh mối quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn có một mối quan hệ ổn định hơn và có thể dự đoán được với Nga. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn chứng tỏ rằng đất nước của ông được coi trọng như một cường quốc trên thế giới. Đó là mong muốn của các bên khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ diễn ra ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Mối quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xấu đi kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và sau đó là những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Với các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các công ty Mỹ, vụ đầu độc và bắt giữ nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga [Alexei Navalny-ND], cũng như sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với chính quyền Belarus, có thể dự đoán rằng cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin sẽ một chương trình nghị sự khá “dày đặc”.
Nga có thể biết trước rằng Tổng thống Mỹ Biden có quan điểm cứng rắn với Moscow hơn so với chính quyền Donald Trump. Đó cũng là lý do Điện Kremlin đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra khá sớm trong nhiệm kỳ của ông Biden là một dấu hiệu tích cực.
Cả hai bên đều coi hội nghị thượng đỉnh ở Geneva là cơ hội để hai nhà lãnh đạo định hướng cách thức điều chỉnh mối quan hệ khó khăn trong 4 năm tới.
Dưới đây là 5 vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga gặp nhau tại Geneva trong ngày 16/6.
Các khía cạnh hợp tác
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói rằng, Washington hy vọng 2 vị tổng thống sẽ rời khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với những chỉ dẫn rõ ràng đối với các nhóm của mình về “sự ổn định chiến lược”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng sử dụng cụm từ này, gọi “sự ổn định chiến lược” là khía cạnh quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin đầu tiên.
Cụm từ này ám chỉ hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới duy trì sự cân bằng quyền lực để ngăn họ rơi vào xung đột mở. Điều đó bao gồm hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới, mà Mỹ và Nga đã đồng ý gia hạn chỉ vài ngày sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Mỹ cũng muốn hợp tác với Nga về vấn đề Bắc Cực và biến đổi khí hậu. Ông Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì hồi tháng 4 năm nay.
Các vấn đề khác mà Mỹ và Nga có thể hợp tác bao gồm các chính sách ngoại giao nhằm ngăn cản chương trình hạt nhân Iran, giảm nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành thiên đường an toàn cho các tổ chức khủng bố quốc tế.
Vấn đề nhân quyền
Tổng thống Biden nói rằng vấn đề nhân quyền sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông, vì thế các chuyên gia đang theo dõi xem ông có thể đi vào chi tiết vấn đề này như thế nào và liệu ông có nêu ra vấn đề bắt giam và đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny hay không.
Gia đình Paul Whelan và Trevor Reed, 2 công dân Mỹ bị bắt giam ở Nga, cũng đang vận động để 2 người này được trả tự do.
Trong một cuộc phỏng vấn từ nhà tù với CNN, Whelan đã bày tỏ mong muốn Tổng thống Biden sẽ “thảo luận tích cực và giải quyết” vấn đề công dân Mỹ bị bắt giam ở Nga. Whelan bị kết án 16 năm tù giam vì tội hoạt động gián điệp, còn Reed hiện đang thụ án tù 9 năm vì đe dọa tính mạng và sức khỏe một nhân viên cảnh sát Nga. Cả Whelan và Reed đều khẳng định mình vô tội.
Nhiều người suy đoán, phía Nga muốn trao đổi Whelan và Reed với các công dân Nga đang ngồi tù tại Mỹ, trong đó có Viktor Bout và Konstantin Yaroshenko.
Phi công Nga Konstantin Yaroshenko bị dẫn độ từ Liberia đến Mỹ năm 2010, bị kết tội buôn lậu ma túy và hiện đang thụ án tù 20 năm. Doanh nhân Viktor Bout bị bắt tại Thái Lan năm 2008, sau đó bị dẫn độ sang Mỹ, thụ án tù 25 năm với cáo buộc có âm mưu bán vũ khí cho nhóm FARC tại Colombia.
An ninh mạng
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề tấn công mạng bằng mã độc tống tiền gần đây và nói với ông Putin rằng “các quốc gia không được phép chứa chấp những kẻ tham gia vào các cuộc tấn công kiểu này”.
Ông Putin đã bác bỏ việc Nga tham gia vào các cuộc tấn công gần đây nhằm vào công ty đóng gói thịt JBS và đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline, cho rằng đây là những cáo buộc “vô nghĩa” và “lố bịch”.
Nga cũng nhiều lần bác bỏ có liên quan đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ và các thể chế chính trị ở Mỹ. Dù vậy, Nga thừa nhận rằng đã có vấn đề xảy ra và chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầy cử tổng thống năm 2020, ông Putin đề xuất ký hiệp ước với Mỹ theo đó cấm các cuộc tấn công mạng, nhưng chính quyền Trump đã “phớt lờ” đề xuất này.
Vấn đề Belarus và Ukraine
Vấn đề Belarus trở nên nổi bật sau khi nước này hồi tháng 5 buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair trên đường từ Athens (Hy Lạp) tới Vilnius (Litva) phải hạ cánh xuống Minsk để bắt giữ nhà báo đối lập.
Đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sau đó, Tổng thống Lukashenko đã tìm tới nhà lãnh đạo Nga, đồng minh duy nhất của ông, để có sự hỗ trợ tinh thần và kinh tế.
Lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya muốn Mỹ gia tăng sức ép với chính quyền ở Minsk.
“Ông Lukashenko đang biến Belarus thành một Triều Tiên của châu Âu”, bà Tikhanovskaya nói trong một phiên điều trần tại Thượng viện.
Tại Ukraine, các nhà lãnh đạo đặt nhiều hy vọng khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, vì ông Biden từng là nhân vật quan trọng nhất của chính quyền Obama trong vấn đề Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tỏ ta thất vọng khi không thể gặp người đồng cấp Mỹ trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin ở Geneva. Ông Zelensky muốn Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài 7 năm giữa Ukraine với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã ám chỉ rằng, Ukraine là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ không nên vượt qua.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, Tổng thống Biden khẳng định “cam kết kiên định” đối với chủ quyền của Ukraine, đồng thời mời ông Zelensky tới Nhà Trắng trong mùa hè năm nay.
Quan hệ ngoại giao
Sau các lệnh trục xuất ăn miếng trả miếng và đóng cửa các cơ quan ngoại giao của nhau, Mỹ hiện chỉ duy trì một số lượng ít nhân viên tại Đại sứ quán ở Moscow, trong khi các lãnh sự quán ở St. Petersburg, Vladivostok và Yekaterinburg phải đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động. Người dân Nga muốn tới Mỹ hiện phải xin thị thực ở một nước thứ 3.
Sau khi Tổng thống Biden, trả lời phỏng vấn ABC hồi tháng 3/2021, nhận xét về người đồng cấp Putin là “kẻ giết người”, Đại sứ Nga tại Washington đã trở về nước và Đại sứ Mỹ tại Moscow, John Sullivan, cũng rời Nga trong sự thúc giục của Điện Kremlin.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Sullivan không bị trục xuất và ông có kế hoạch trở lại [Nga] trong những tuần tới.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã trao đổi vấn đề này với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực hồi tháng 5/2021 ở Iceland. Tuy nhiên, cả 2 quan chức này vẫn chờ đợi tổng thống 2 nước quyết định về mối quan hệ ngoại giao.
“Quan điểm của chúng tôi là nếu các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể làm việc trên tinh thần hợp tác, người dân của chúng tôi cũng như thế giới có thể là một nơi an toàn hơn, an ninh hơn”, ông Blinken nói với các phóng viên./.