Những vấn đề làm 'nóng' Hội nghị thượng đỉnh G7
Trong hai ngày 26 và 27-5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 42 diễn ra trên đảo Ca-si-cô thuộc tỉnh Mi-ê, miền Trung Nhật Bản, với chương trình nghị sự đề cập nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có Biển Đông.
Một trong những hồ sơ nổi cộm tại Hội nghị lần này chính là việc khôi phục nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Hiện nay, kinh tế thế giới đối mặt với tương lai bấp bênh khi nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đã chững lại do tác động từ sự lao dốc của giá dầu với các nước sản xuất nhiên liệu; cũng như khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh cả Anh và Đức đều đang phản đối những kêu gọi về các gói kích thích tài chính, Thủ tướng nước chủ nhà Sin-dô A-bê lại có kế hoạch thúc giục các nhà lãnh đạo G7 đưa ra những chính sách tài khóa linh hoạt và phù hợp hơn với đặc thù của tình hình kinh tế từng quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng được trông đợi sẽ tái khẳng định những cam kết trước đó trong nỗ lực ổn định thị trường ngoại hối cũng như triển khai các thỏa thuận trong Nghị định thư Pa-ri về biến đổi khí hậu.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo các nước G7 sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống khủng bố với hai vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đó là sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực triệt tiêu các nguồn tài chính cung cấp cho các lực lượng khủng bố nói chung trên phạm vi toàn cầu.
Một trong những vấn đề trọng tâm khác của Hội nghị là an ninh hàng hải. Nhật Bản chủ trương nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của các quy định pháp luật và tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết các cuộc tranh chấp. Tờ Thời báo Nhật Bản ngày 25-5 dẫn nguồn tin từ các nhà đàm phán Hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua tuyên bố chung, trong đó có "ba nguyên tắc luật pháp" về an ninh biển mà Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Xin-ga-po năm 2014, bao gồm: phải làm rõ cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Các nhà lãnh đạo G7 cũng lên tiếng phản đối "sự hăm dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực" của bất kỳ quốc gia nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền; đồng thời kêu gọi giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hòa bình, mang tính xây dựng và tuân thủ đúng các quy định của luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng thảo luận các thách thức phát triển mà châu Phi đang đối mặt, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực cải thiện y tế, tăng cường năng lực và vai trò của nữ giới. Phiên họp này được xem là tiền đề cho Hội nghị quốc tế Tô-ki-ô về phát triển châu Phi (TICAD VI) sẽ diễn ra tại Kê-ni-a vào tháng 8-2016.
Tuy nhiên, dư luận thế giới cũng không nên trông đợi quá nhiều vào thượng đỉnh G7, bởi theo chuyên gia phân tích chính trị Mít-xư-rư Phư-cư-đa, thuộc trường Đại học Nihon (Nhật Bản), có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Trung Quốc hoặc Nga.
Được khởi đầu từ những năm 1970, G7 trở thành G8 vào năm 1997 với sự tham dự của Nga. Năm 2014, G8 lại rút gọn thành G7 sau khi Nga bị loại ra khỏi câu lạc bộ này do cuộc khủng hoảng U-crai-na. Tuy nhiên, G7 vẫn là một diễn đàn trao đổi không chính thức có trọng lượng giữa các cường quốc công nghiệp.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-van-de-lam-nong-hoi-nghi-thuong-dinh-g7/