Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 21

III. Tổng quan lịch sử châu Âu

Châu Âu là châu lục nhỏ so với châu Á, châu Mỹ, châu Phi, diện tích 10.498.000km2 gồm nhiều bán đảo và hải đảo. Dân số khoảng 750 triệu người. Toàn bộ lục địa châu Âu là phần kéo dài về hưởng Tây của lục địa châu Á. Từ phía Bắc châu Âu (Na uy) tới phía Nam (Hi Lạp) dài 4.000km, từ phía Tây (Bồ Đào Nha) đến phía Đông (Nga) dài khoảng 5.000km. Trong châu lục có những nước cực lớn như nước Nga. Chỉ tính riêng phần diện tích ở châu Âu của Nga là 4 triệu km2 với dân số 100 triệu người (toàn bộ diện tích của Nga hơn 17 triệu km2 dân số 150 triệu người). Biên giới các quốc gia châu Âu biến động rất nhiều. Thời kỳ cận đại một số quốc gia ngày nay không tồn tại độc lập: Nam Tư, Sec, Slôvakia, Hung ga ri trở thành quốc gia sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918). Nước Áo bị thu hẹp lãnh thổ. Châu Âu tồn tại ba hệ ngôn ngữ chính là tiếng Đức, trong đó bao gồm ngôn ngữ Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và tiếng Anh. Hệ ngôn ngữ Sla vơ bao gồm tiếng Ba Lan, Bungari, Séc, Slôvennia, Slôvakia, Sécbi, Crôatia, tiếng Nga. Hệ ngôn ngữ La Tinh bao gồm tiếng Italia, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Rumani, tiếng Pháp. Thứ ngôn ngữ này được gọi là ngôn ngữ Rôma vì thời cổ đại được dùng trong đế quốc La Mã rộng lớn. Các dân tộc châu Âu là dòng giống của đại chủng tộc lớn là Ơrôpôit bao gồm nhiều tiểu chủng và loại hình nhân chủng. Ngoài ra còn rất nhiều người châu Á di cư sang đây qua các thời kỳ lịch sử. Hơn 600 năm qua, người châu Âu cũng đã di cư tới nhiều lục địa khác trên thế giới như châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Á. Tôn giáo châu Âu thời cổ đại một thời gian khoảng gần 1000 năm theo đa thần giáo. Từ thế kỷ I sau CN, Thiên Chúa giáo từ Cận Đông vượt qua Địa Trung Hải tràn sang phần Tây của đế quốc La Mã. Càng về sau, vấn đề tôn giáo càng phức tạp vì bản thân Thiên Chúa giáo cũng phân liệt thành nhiều giáo phái. Còn có nhiều tôn giáo khác theo vết chân di cư của người châu Á du nhập vào. Có thể thấy miền Nam châu Âu và Ba Lan phần lớn cư dân theo Cơ Đốc giáo thuộc Thiên Chúa giáo La mã, miền Bắc Âu theo đạo Tin Lành. Ở Hi Lạp, Nam Tư, Bungari, Nga theo Chính thống giáo. Ngoài ra, còn có đạo Do Thái, đạo Hồi, Ấn Độ giáo vào châu Âu do làn sóng người châu Á di cư sang. Châu Âu là châu lục có nền kinh tế công nông nghiệp phát triển cao nhất thế giới, có mức sống cao nhất và đô thị hóa cao nhất.

Châu Âu trải qua thời tiền sử khá dài và công xã nguyên thủy tan rã muộn gần như không đồng đều trên khắp châu lục. Mãi tới thế kỷ VIII trước CN, Hi Lạp mới xuật hiện giai cấp và hình thành nhà nước, còn La Mã bước vào xã hội này ở thế kỷ VI trước CN. Xã hội đầu tiên của hai quốc gia này là xã hội chiếm hữu nô lệ. Điều kiện địa lý làm cho kinh tế Hi Lạp, La Mã có đặc trưng riêng khác châu Á. Trong khi châu Á chỉ đơn thuần kinh tế nông nghiệp thì kinh tế của Hi Lạp, La Mã cổ đại là nền kinh tế nhiều thành phần công nông thương nghiệp và vận hành theo cơ chế kinh tế hàng hóa thị trường đặc biệt phát triển, bất chấp chế độ chính trị, xã hội là chế độ chiếm hữu nô lệ. Như vậy, công lao phát minh ra kinh tế hàng hóa thị trường không phải là của chủ nghĩa tư bản thời kỳ cận đại mà chính là sản phẩm tất yếu khách quan do nhu cầu cuộc sống của xã hội loài người sản sinh ra ngay từ thời kỳ cổ đại

Nhân tố kinh tế hàng hóa tác động đến sự phân hóa xã hội Hi Lạp và La Mã. Do nhiều thành phần kinh tế nên trong giai cấp chủ nô, giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột bao gồm nhiều tầng lớp tương ứng: Tầng lớp chủ nô nông nghiệp còn gọi là quý tộc cũ ( quý tộc thị tộc) có nguồn gốc từ các quan chức xã hội nguyên thủy như tộc trưởng, tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh liên minh bộ lạc, thủ lĩnh quân sự. Tiếp theo là tầng lớp quý tộc mới, quý tộc công thương nghiệp. Tầng lớp này xuất thân từ bình dân giầu có nhờ sản xuât hàng hóa, buôn bán và cho vay nặng lãi. Trong giai cấp chủ nô có hai tầng lớp đối lập nhau sẽ ảnh hưởng to lớn đến thiết chế chính trị của nhà nước chiếm hữu nô lệ Hi Lạp, La Mã sau này.

Giai cấp thứ hai ở Hi Lạp, La Mã là bình dân bao gồm nông dân và thị dân. Công xã nguyên thủy Hi Lạp, La Mã tan rã muộn, mọi điều kiện đã chín muồi, cho nên công xã nguyên thủy ở đây giải thể một cách triệt để, tức là chế độ tư hữu phát triển mạnh mẽ, công xã nông thôn ở Hi Lạp, La Mã không còn đúng nghĩa của nó, ở đó tồn tại sở hữu tư nhân không chỉ của chủ nô mà còn của nông dân. Do đó, nông dân là người dân tự do, là những công dân của nhà nước. Họ được hưởng quyền chính trị, quyền bầu cử, ứng cử vào các chức vụ và các cơ quan nhà nước. Trong cuộc đấu tranh chính trị để lựa chọn hình thức nhà nước, bình dân là đồng minh của tầng lớp chủ nô công thương nghiệp, ngân hàng.

Chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hi Lạp, La Mã là điển hình biểu hiện trước hết ở giai cấp nô lệ. Nô lệ ở Hi Lạp, La Mã rất đông. Họ có tính chất chung của nô lệ thế giới. Theo pháp luật họ không được thừa nhận là con người, bị cưỡng bức lao động khổ sai, không được hưởng phần nào giá trị mà họ làm ra.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-21-a21750.html