Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 79)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử thế giới' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.
Kỳ 79
III. Tình hữu nghị Việt - Xô qua các hiệp ước
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử quan hệ Xô - Việt. Từ đó đến nay Cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của Liên Bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Khi đánh giá ý nghĩa to lớn của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên rằng thắng lợi to lớn của mình không tách rời khỏi sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô".
Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam không chỉ giới hạn trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, mà còn trở thành nhân tố quan trọng nhất của các thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Sự giúp đỡ hữu nghị của Liên Xô cho Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế văn hóa và kỹ thuật thể hiện trong một loạt các hiệp ước đã được ký kết giữa chính phủ hai nước.
Ngày 18/7/1955 hiệp ước thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô đã được ký kết tại Mátxcơva, cũng trong năm đó hai bên đã ký hiệp ước về việc Liên Xô nhận các công dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa vào học tập ở các trường học của Liên Xô[1]. Ký kết hiệp ước ở Mátxcơva đã đặt nền tảng vững chắc cho sự hợp tác Việt - Xô trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Đánh giá cao những kết quả đạt được ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam đã củng cố hơn nữa niềm tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân Việt Nam để hoàn thành những nhiệm vụ to lớn trong sự nghiệp khôi phục, xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân. Trong thời kỳ này, hoàn thành những hiệp ước đã được ký kết, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và viện trợ tích cực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam khôi phục và xây dựng những công trình quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam với sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô[2].
Vào năm 1973 quan hệ, hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam bước sang một giai đoạn quan trọng mới mang tính chất toàn diện.
Ngày 25/07/1973 Liên Xô - Việt Nam đã ký hiệp ước về việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật. Thực hiện hiệp ước này, từ năm 1973 đến năm 1976 Liên Xô đã nhận 8. 000 công dân của Việt Nam đến học ở các trường dạy nghề và các trường kỹ thuật[3].
Như chúng ta đã biết sự hợp tác Việt - Xô bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau, điều đó có nghĩa là không tách rời sự hợp tác về văn hóa và chính trị một bộ phận của đời sống tinh thần của nhân dân hai nước.
Được chỉ đạo bởi khuynh hướng chủ đạo là sự hợp tác văn hóa và khoa học phải có mục đích làm gần gũi giữa hai dân tộc, làm phong phú thêm nền văn hóa của hai nước dựa trên những kinh nghiệm đã được tích lũy lại. Ngày 15/2/1957 và sau đó mấy năm ngày 11/11/1974 tại Mátxcơva giữa Liên Xô và Việt Nam đã ký kết các hiệp định về sự hợp tác văn hóa và khoa học.
Các hiệp ước này đã ghi nhận rằng hai bên sẽ làm hết sức mình để tiếp tục phát triển sâu sắc và toàn diện sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, giáo dục ở bậc Đại học, giáo dục phổ thông, y tế, văn học và văn hóa trong lĩnh vực xuất bản nghệ thuật, âm nhạc, kịch, điện ảnh, ấn loát, phát thanh và vô tuyến truyền hình, trong lĩnh vực du lịch, thể dục thể thao và trong nhiều lĩnh vực khác.
Hai bên đặc biệt chú ý hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học và các trường học nghề, kỹ thuật, trao đổi các chuyên gia y tế, tổ chức những ngày văn hóa liên hoan, các cuộc gặp gỡ thảo luận nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi những kinh nghiệm trong sáng tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản[4].
Việc ký hiệp định hợp tác văn hóa và khoa học kỹ thuật mang lại những sự tác động mới cho sự phát triển mối liên hệ anh em giữa nhân dân Xô Viết và nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và khoa học.
Hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam chủ yếu là sự hợp tác về kinh tế.
Ngày 14/8/1973 đã ký hiệp ước giữa hai bên về sự hợp tác kinh tế và kỹ thuật và trao đổi hàng hóa giữa Liên Xô và Việt Nam[5]. Ngày 8/12/1974 hai bên ký hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam.
Bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ Việt - Xô là hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam được ký ngày 3/11/1978. Trong hiệp ước này, hai bên đã cam kết với nhau rằng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa sẽ củng cố thêm một bước mới mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết không gì phá vỡ nổi và sự giúp đỡ anh em giữa hai dân tộc. Hai nước anh em sẽ không ngừng phát triển mối quan hệ chính trị và sự hợp tác sâu sắc về tất cả các mặt: Kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa giữa hai nước, nhằm mục đích thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên nguyên tắc giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng nhau, tôn trọng quyền tự chủ độc lập giữa hai nhà nước và không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau.
Trong hiệp ước hai bên cũng đã cam kết sẽ trao đổi ý kiến với nhau trên tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng vì quyền lợi của hai nước và của toàn khối cộng đồng xã hội chủ nghĩa để bảo vệ thành quả chủ nghĩa xã hội, hai bên cam kết rằng trong trường hợp một bên bị sự đe dọa tấn công từ bên ngoài thì bên kia không chậm trễ phải hành động giúp đỡ nhằm mục đích loại trừ sự đe dọa đó bằng mọi biện pháp có hiệu lực nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh cho hai nước[6].
(Còn nữa)
CVL
------------------
[1] Bộ Ngoại giao Liên Xô và Việt Nam. Liên Xô và Việt Nam 30 năm quan hệ (1950-1980). Các văn kiện và tư liệu. Mátxcơva, Nxb. chính trị 1982, tr. 17-21, tiếng Nga.
[2] Báo Sự thật 20. 10. 1979.
[3] Bộ ngoại giao Liên Xô và Việt Nam. Liên Xô Việt Nam 30 năm quan hệ (1950 - 1980). Các văn kiện và tư liệu. Nxb. Chính trị Mátxcơva. 1982 - tr. 325-326.
[4] Bộ Ngoại giao Liên Xô và Việt Nam. Liên Xô và Việt Nam 30 năm quan hệ (1950-1980). Các văn kiện và tư liệu. Nxb. chính trị Mátxcơva, 1982, tr. 343 - 349.
[5] Sách đã dẫn, tr. 328.
[6] Bộ Ngoại giao Liên Xô và Việt Nam. Liên Xô - Việt Nam 30 năm quan hệ (1950-1980). Các văn kiện và tư liệu. Nxb. chính trị Mátxcơva, 1982, tr. 494-496.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-the-gioi-ky-79-a22794.html