Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 14)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 14.

II. TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH TRUNG ĐÔNG BẾ TẮC- NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

1.Trung Đông: Vị trí địa lý- kinh tế chiến lược.

Trung Đông ngày nay là một trong những điểm nóng trên thế giới về xung đột sắc tộc và tôn giáo, nơi xuất phát điểm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trung Đông không chỉ được sự quan tâm của các cường quốc mà của toàn thế giới. Điều quan ngại nhất là lộ trình hòa bình Trung Đông giải quyết cuộc xung đột giữa Paletstin và nhà nước do Thái I xraen bế tắc. Đáng ngạc nhiên là lộ trình này do những cường quốc đặc biệt là Mỹ đỡ đầu mà vẫn không tiến triển lên được. Vì sao lại có tình hình như vậy ?

Trung Đông ngày nay có tổng diện tích 13.845000 km2, dân số khoảng 250 triệu, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quân sự, chính trị. Trung Đông trải dài từ Đông Địa Trung Hải đến Apganistan, nơi giao nhau giữa ba châu lục: Châu Á, châu Âu và châu Phi nên cũng là cửa ngõ để đi vào ba châu lục này. Cựu Tổng thống Mỹ R.Níchxơn viết: “Trung Đông là cái sườn phía Đông của NATO, là cửa ngõ vào châu Phi. Do vị trí của Trung Đông ở ngã tư thực sự của thế giới cho nên kẻ nào khống chế được khu vực này sẽ khống chế được châu Âu”.(1). Do vậy, Trung Đông có ý nghĩa quan trọng về an ninh quân sự và chính trị trong chiến lược toàn cầu của các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ. Từ Trung Đông có thể kiểm soát được ba châu, uy hiếp Bắc Phi, Ban Căng và Nam Á. Trung Đông có vị trí thuận lợi trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Nam châu Âu, bờ biển Đông Phi và châu Á.` “Mỹ có những lợi ích vĩnh viễn ở cửa ngõ lịch sử và chiến lược này, những lợi ích vĩnh viễn làm cho Trung Đông là mục tiêu trong yêu cầu của chính sách đối ngoại của Mỹ”.( 2).

Trung Đông có vị trí chiến lược quan trọng ngay từ thời cận đại. Năm 1869 kênh đào Xuyê hoàn thành nối liền Ân Độ Dương và Địa Trung Hải, điểm giao thông trọng yếu nhất giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Kênh đào Xuyê càng tăng thêm tầm quan trọng của khu vực Trung Đông.

Ngoài vị trí địa lý quan trọng, Trung Đông còn hấp dẫn các cường quốc bởi nguồn dầu lửa- “máu” cho toàn bộ nền kinh tế công nghiệp hiện đại mà trong một tương lai còn xa không có nhiên liệu nào có thể thay thế được. Tổng lượng dầu toàn thế giới có 136 tỉ tấn mà Trung Đông đã chiếm 89,3 tỉ tấn, tức bằng 65,2% trữ lượng dầu toàn thế giới. Khai thác dầu ở Trung Đông do vậy cũng đứng đầu thế giới, khai thác thuận lợi, chất lượng dầu tốt, giá thành rẻ. Các công ty nước ngoài trước kia và hiện nay đã và đang thu được nhiều lợi nhuận cao ở khu vực này. Mỗi năm có hàng trăm triệu tấn dầu từ Trung Đông vận tải đi khắp nơi trên thế giới. Các nước có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nước công nghiệp phát triển cao như Tây Âu, Nhật Bản, Mỹ không thể thiếu được nguồn dầu từ Trung Đông. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, Mỹ nhập 50% lượng dầu vào Mỹ, trong đó dầu của Trung Đông chiếm 35 %. Trung Đông cung cấp 100% nhu cầu dầu cho NATO, 80% dầu cho Nhật Bản. Ước đoán vào năm 2015, Trung Đông sẽ chiếm 60% giá trị xuất khẩu dầu của toàn thế giới.

Vị trí địa lý quan trọng, giầu dầu mỏ, mang lại nhiều lợi nhuận cao cho các tập đoàn tư bản, đã biến Trung Đông thành nơi cạnh tranh bành trướng thế lực của các cường quốc. Chiếm vị trí chiến lược, bảo vệ và chiếm nguồn dầu lửa buộc nó phải chảy về Mỹ là một trong các mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông.

Do nhiều dầu lửa nên Trung Đông cũng là khu vực giầu tài chính, nhất là vùng vịnh Pécxích, dự trữ vàng và ngoại tệ lớn. Vàng và ngoại tệ là nguồn khao khát của các tập đoàn tư bản độc quyền.

Do nhu cầu phục vụ đời sống và phục vụ công nghiệp khai thác dầu khí, Trung Đông là nơi nhập khẩu khối lượng lớn các mặt hàng công nghệ cao từ những nước công nghiệp phát triển, là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa cho các nước đó. Khu vực này cũng là nơi tiêu thụ vũ khí lớn nhất do Mỹ cung cấp cho các quốc gia tham chiến, xung đột. Từ những năm 90 của thế kỷ XX Trung Đông là nơi chạy đua vũ trang dữ dội. Mỹ và NATO càng tăng kim ngạch xuất khẩu vũ khí và các trang thiết bị quân sự vào đây. Kim ngạch của Mỹ chiếm tới 52,2% trong tổng số 48 tỉ USD nhập vũ khí,trang thiết bị chiến tranh của các nước Trung Đông.

Trung Đông là ngã ba của ba châu lục nên cũng là nơi giao thoa các nền văn hóa lớn trên thế giới: Trung Hoa, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Ai Cập và cả văn hóa phương Tây. Trung Đông là quê hương của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái, Ki Tô Giáo và Hôì̀ Giáo. Ngày nay 80%-90% cư dân Trung Đông theo Hồi giáo. Hồi giáo là quốc giáo của nhiều quốc gia trong khu vực. Thủ lĩnh tôn giáo đầy quyền lực, nắm cả thần quyền và chính quyền hoặc chi phối chính quyền. Mâu thuẫn giáo phái, dân tộc ngày càng phức tạp thêm do các cường quốc vào đây gây chia rẽ để làm lợi cho chính sách và mục tiêu của họ. Tất cả những nguyên nhân trên làm cho Trung Đông ngày nay trở thành điểm nóng, bất ổn và xung đột triền miên mà then chốt nhất là vấn đề Palet stin và Israen.

2. Paletstin và Ixraen-lịch sử vấn đề.

Paletstin nằm ở phía đông Địa Trung Hải, giáp với Li Băng, Gioócđani, Ai Cập, vịnh Acaba và Ixraen. Diện tích khoảng 27.000km2, dân số khoảng 3,5 triệu người, đã số là người Ảrập, đạo Hồi là quốc giáo. Paletstin là quốc gia có lịch sử lâu đời. Thế kỷ XIX TCN, người dân Paletstin đã đến đây lập quốc. Cùng trên mảnh đất bên cạnh người Paletstin, người Hebrơ, tổ tiên của người Do Thái cũng đến đây lập quốc vào khoảng thời gian này với kinh đô là Giêrusalem. Ngày nay, diện tích của nhà nước Ixraen theo qui định của Liên Hợp quốc năm 1947 là 14.100km2, dân số khoảng 6 triệu, đa số là người Do Thái, 85 % cư dân theo đạo Do Thái, số còn lại theo đạo Hồi.

Ở vào vị trí chiến lược quan trọng nên ngay từ thời kỳ cổ đại, hai quốc gia Palestin và Do Thái liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược vào nô dịch. Năm 131 TCN, đất Paletstin và Do Thái bị đế quốc La Mã cổ đại xâm lược và thống trị suốt gần 800 năm. Một triệu người Do Thái bị giết, họ còn bị người La Mã bắt sang phương Tây làm nô lệ. Phần lớn người Do Thái bỏ tổ quốc lưu vong sống ở các nước Trung Đông, Bắc Phi và ở các nước châu Âu. Trên đất Palestin-Do Thái chỉ còn 10% người Do Thái sống trên 1% diện tích. Trên 99% diện tích người Paletstin vào lấp chỗ trống định cư lập nghiệp.

Thế kỷ VII, mảnh đất Paletstin bị người Ảrập chinh phục và đạo Hồi được du nhập vào. Thế kỷ XVI người Paletstin bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thống trị. Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918), mảnh đất Paletstin-Do Thái bị thực dân Anh cai trị. Trong đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), 6 triệu người Do Thái đã bị phát xít Đức sát hại.

Sau khi Đại chiến thứ hai kết thúc (15-8-1945),ngày 29-11-1947, Liên Hợp quốc ra nghị quyết xóa bỏ quyền cai trị của Anh trên lãnh thổ Paletstin, chia mảnh đất trên thành hai quốc gia độc lập, một quốc gia của người Paletstin chiếm 43,53% diện tích, một quốc gia của người Do Thái chiếm 56,47% diện tích. Ngày 14 tháng 5 năm 1948 nhà nước do Thái được thành lập lấy tên là Ixraen. Thành phố Giêrusalem đặt dưới sự giám sát của Liên Hợp quốc. Việc thành lập nhà nước Ixraen là một bước tiến quan trọng trong lịch sử dân tộc Do Thái, đem lại cho họ một tổ quốc độc lập, chấm dứt sự lưu vong của đại đa số người Do Thái trên 2000 năm. Nhưng đó cũng là bước khởi đầu cho cuộc xung đột Do Thái và Paletstin trong 6 thập niên qua, vấn đề mấu chốt cho tất cả các cuộc xung đột ở Trung Đông.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-14-a23232.html