Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 15)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách 'Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 15

Đầu tiên là các nước Ảrập không chấp nhận Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, không chấp nhận nhà nước Do Thái nằm giữa cộng đồng người Ảrập. Ngày 15-5-1948 Liên minh 7 nước Ảrập tấn công Ixraen mở màn cho cuộc chiến tranh Trung Đông lần 1 (1948-1949). Trong cuộc chiến tranh này, phía 7 nước Ảrập có 21.000 quân, phía Ixraen có tới 60.000 và tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội các nước Ảrập. Họ chiến đấu để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ. Chiến tranh vừa bùng nổ thì 500.000 người Arập –Paletxtin đã phải chạy tị nạn lưu vong ở nước ngoài. Đầu năm 1949 Ixraen đình chiến với Ai cập, Li Băng, Goóc đa ni. Ixraen chiếm thêm được 6.700 km2 đất, chiếm phía Tây thành phố Girusalem. Đến lượt người Paletstin mất tổ quốc,750.000 người Palestin phải sống lưu vong. Paletstin bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Mâu thuẫn giữa Ảrập và Ixraen tiếp tục sâu sắc và tháng 10 năm 1956 chiến tranh Trung Đông lần 2 bùng nổ. Tiếp đến chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 bùng nổ và kéo dài chỉ từ ngày 5 tháng 6 đến ngày 10 tháng 6 năm 1967. Kết quả các nước Ảrập thất bại. Ixraen chiếm luôn toàn bộ lãnh thổ Paletstin, chiếm đóng Đông Giêrusalem, bờ Tây sông Gioóc đan, bán đảo Xinai của Ai cập, Cao Nguyên Gôlan của Xi ri. Lãnh thổ Ixraen mở rộng đến 102.000 km2. 3 triệu người Palestin tiếp tục phải lưu vong tị nạn ra nước ngoài. Chiến tranh Trung Đông lần 3 đẩy mâu thuẫn giữa thế giới Ảrập với Ixraen đến đỉnh điểm, căng thẳng cực độ. Do đó từ ngày 6 tháng 10 năm 1973 chiến tranh Trung Đông lần 4 lại bùng nổ và đến ngày 22 tháng10 năm 1973 thì kết thúc.Được sự giúp đỡ của Mỹ, Ixraen vượt qua kênh đào Xuyê, chiếm thêm đất đai của Ai Cập, tiến tới gần thủ đô Đa Mát của Xiri. Thừa thắng Ixraen tiến vào miền Nam Li Băng. Tiếp theo là cuộc chiến tranh Trung Đông lần 5 tháng 6 năm 1982, Israen tiếp tục bành trướng, chiếm đất đai của người Ảrập. Ngày nay diện tích lãnh thổ Ixraen lên đến 21.946km2, 600 khu định cư mới của người Do Thái được xây dựng trên đất đai của người Paletstin. Đến lượt mình ,người Paletstin lại không có tổ quốc, hàng triệu người sống lưu vong trên đất của các quốc gia Ảrập khác. Cuộc chiến tranh Trung Đông gây thiệt hại lớn về người và của. Chỉ tính riêng cuộc chiến tranh lần 5, cả hai bên Ảrập và Ixraen khoảng 20 vạn người chết và bị thương, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề.

Sau chiến tranh lạnh, tình hình thế giới và tình hình Trung Đông có nhiều thay đổi, nhà cầm quyền Ixraen buộc phải điều chỉnh chiến lược của mình, chuyển từ bành trướng lãnh thổ trong thời kỳ chiến tranh lạnh sang chiến lược đàm phán với Palestin và thế giới Ảrập, theo lộ trình đổi đất lấy hòa bình và an ninh cho Ixraen . Ngày 30 tháng 3 năm 1991 Ixaraen và Pa letstin ký hiệp ước Ôslô (Nauy), theo đó Ixraen công nhận quyền tự trị tạm thời của người Paletstin ở giải Gada và thành phố Jericô. Ngày 10 tháng 9 năm 1993, PLO và chính phủ Ixraen trao đổi văn kiện chính thức công nhận lẫn nhau. PLO công nhận nhà nước Ixren. Ixraen công nhận PLO là người đại diện của nhân dân Palextin, sẽ đàm phán trực tiếp với PLO về hòa bình Trung Đông. Ngày 13-9-1993 tại Oasintơn, Ixraen ký hiệp định với PLO trao quyền tự trị hạn chế cho Paletstin ở hai khu vực trên. Ixraen cũng đã đàm phán và ký các hiệp định với các nước Ảrập khác như Ai cập, Gioócđani, Xiri.

Nhưng phái cực hữu của người Do Thái không muốn đổi đất lấy hòa bình đã phá vỡ tiến trình hòa bình Trung Đông. Ngày4-11-1995 Thủ tướng Ixraen Y.Rabin bị một phần tử cực đoan Do Thái ám sát. Các Thủ tướng của đảng cực hữu Licút như B.Netanyahu, Barắc, Saron, Omớt liên tục phá hoại hòa bình Trung Đông, mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ tự trị của người Paletstin, giết hại dân thường, gây nên hận thù sâu sắc, khu vực càng thêm mất ổn định. Về phía Paletstin, sau cái chết của Tổng thống Araphát, lãnh tụ PLO, đặc biệt là sau thắng lợi của phái Hamát trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và sự thành lập Chính phủ do phái này lãnh đạo, nội bộ Paletstin chia rẽ nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới xung đột giữa Ha mát và PLO. Ngày 17 tháng 3 năm 2007, Tổng thống Paletstin Apbát đã phải thủ tiêu chính phủ do Ha mát cầm đầu, thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Paletstin. Thái độ cứng rắn của phái Hamát đã góp thêm nguyên cớ để Ixraen làm khó khăn cho lộ trình hòa bình Trung Đông.

3.Lộ trình hòa bình Iraen-Paletstin bế tắc-nguyên nhân và giải pháp.

Thái độ thiên vị cho Ixraen của Mỹ: Do vị trí quan trọng chiến lược về địa lý, kinh tế nên Trung Đông từ lâu đã là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mục tiêu cơ bản trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ở Trung Đông trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1991) là ngăn chặn Liên xô và chủ nghĩa Cộng sản phát triển ở khu vực. Mỹ phải xâm nhập được vào Trung Đông và thiết lập được các vị trí vững chắc để bao vây tấn công sườn phía Nam Liên Xô và các nước Đông Âu, tìm cách đẩy lùi Anh, Pháp ra khỏi khu vực, Mỹ độc chiếm Trung Đông để bảo vệ nguồn dầu mỏ và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực.

Để đạt được các mục tiêu trên, Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp. Một trong các biện pháp quan trọng là Mỹ sử dụng Ixraen làm công cụ để xâm nhập vào Trung Đông, làm công cụ để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc. Trong buổi đầu thành lập nhà nước Do Thái-Ixraen, Mỹ đã nắm lấy chủ nghĩa Xionít để lợi dụng, tài trợ cho các tổ chức Do Thái ở châu Âu về nước. Ví dụ như Mỹ đã chịu phí tổn để đưa 100 nghìn người Do Thái về Paletxtin. Nhà nước Ixraen luôn nhận được sự hậu thuẫn và tài trợ to lớn của Mỹ về kinh tế, quân sự và ngoại giao. Trong 5 cuộc chiến tranh Trung Đông, Ixraen đã sử dụng vũ khí, quân trang quân dụng của Mỹ. Kết quả nhà nước Ixraen ngày càng lớn mạnh không chỉ về sức mạnh quân sự mà còn cả về kinh tế, sở hữu những thành tựu khoa học, công nghệ cao với hơn 90% cư dân sống ở đô thị. Đồng thời Mỹ ra sức chia rẽ nội bộ các quốc gia Ảrập vì quyền lợi của Mỹ và còn vì bảo vệ nhà nước Ixraen. Mỹ đã thực hiện được mục đích xâm nhập và đứng vững ở Trung Đông. Từ là kẻ tử thù của thế giới Ảrập, Mỹ vươn lên thành kẻ bảo trợ chủ yếu cho lộ trình hòa bình Trung Đông.

Nhưng vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, xuất phát từ lợi ích của mình, Mỹ không muốn có một nền hòa bình toàn diện trong khu vực. Mỹ chỉ muốn có một nền hòa bình cục bộ để gây chia rẽ trong thế giới Ảrập, để bảo vệ địa vị, quyền lợi của Mỹ và của nhà nước Ixraen. Như hiệp định chung ở trại Đavít tháng 9 năm 1978 giữa Ixraen và PLO không thành công là do sự thiên vị của Mỹ cho Ixraen, đi ngược lại quyền lợi của người Paletstin và thế giới Ảrập.

Trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, trong đó có Trung Đông. Điểm thứ nhất trong điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ là tập trung giải quyết những vấn đề trong nước như bảo đảm an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố đe dọa, khắc phục các thách thức về kinh tế, tài chính. Tuy nhiên dưới thời chính quyền B.Clin tơn, Mỹ vẫn kết hợp dung hòa ở mức độ nhất định giữa chính sách đối nội và đối ngoại. Thứ hai, khống chế các khu vực trên thế giới, duy trì cân bằng khu vực, xóa bỏ những cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Mỹ. Điểm thứ 3 trong điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ là xây dựng lực lượng vũ trang Mỹ hùng mạnh nhất thế giới, thứ tư là từ đó mà kiềm chế các đối thủ tiềm tàng, ngăn chặn bất cứ đối thủ nào nổi lên có thể đe dọa vị trí của Mỹ và thứ 5 là ngăn ngừa đối phó với sự trỗi dậy của Nga, các nước SNG. Trung Đông vẫn là trọng điểm ưu tiên trong chiến lược toàn cầu mới của Mỹ với mục tiêu bảo đảm nguồn dầu lửa vẫn chảy về Mỹ, ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc khu vực, thúc đẩy hòa bình, làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Ixraen - Paletxtin, ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt như hạt nhân, sinh học và hóa học. Nếu như trong chiến tranh lạnh, Mỹ sử dụng Ixraen để xâm nhập vào Trung Đông, loại trừ Anh, Pháp và Liên Xô, chia rẽ các nước Ảrập thì sau chiến tranh lạnh Mỹ không chỉ cần Ixraen mà còn cần cả thế giới Ảrập vì sau khi Anh, Pháp đã bị loại trừ, Liên Xô sụp đổ, Mỹ thành cường quốc duy nhất chi phối Trung Đông.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-15-a23253.html