Những vấn đề 'nóng' trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO
Theo Sputnik, Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp trực tuyến trong hai ngày 22 và 23-10 nhằm thảo luận biện pháp giải quyết những thách thức an ninh mà khối đang phải đối mặt.
Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng NATO Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ cuộc họp sẽ tập trung vào những vấn đề “nóng” như chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng, các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng răn đe trước những thách thức an ninh, cũng như sứ mệnh ở Afghanistan và Iraq.
Cũng theo Tổng thư ký NATO, năm 2020 sẽ là năm thứ 6 liên tiếp các đồng minh châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng. “Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục. Các nước thành viên đang đầu tư nhiều hơn và tiếp tục đóng góp cho các nhiệm vụ, hoạt động của khối”, ông Stoltenberg lưu ý.
Theo một báo cáo vừa công bố của NATO, 10 trong số 30 quốc gia thành viên sẽ đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của khối là 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Đứng đầu danh sách kể trên vẫn là Mỹ, với khoảng 785 tỷ USD, chiếm hơn 2/3 tổng chi tiêu của các nước thành viên NATO. Sau đó là Hy Lạp với 2,58% GDP, Anh 2,43%, Romania 2,38%, Estonia 2,38%, Latvia 2,32%, Ba Lan 2,3%, Litva 2,28%, Pháp 2,11% và Na Uy 2,03%. Trong đó, Pháp và Na Uy là hai quốc gia lần đầu tiên đạt được mục tiêu 2% GDP, trong khi đó Bulgaria lại bị "rớt" khỏi danh sách này. Năm ngoái, Bulgaria đạt mức chi tiêu quốc phòng nhảy vọt 3,18% GDP, nhưng năm nay chỉ đạt 1,93% GDP.
Các nước châu Âu là thành viên của NATO đã phải chịu sức ép lớn trong việc tăng chi tiêu quốc phòng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích việc Washington phải đóng góp nhiều hơn trong liên minh quốc phòng lớn nhất thế giới này. Trong năm ngoái, chỉ có 9 quốc gia đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO, trong đó Mỹ vẫn dẫn đầu với 3,87% GDP.
Liên quan tới vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, người đứng đầu NATO cho hay khối này hoan nghênh những tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Theo nguồn tin CNN, các cuộc đàm phán giữa hai ông lớn hạt nhân đang dần đi đến hồi kết khi ngày 20-10, Moscow đề xuất gia hạn Hiệp ước New START thêm một năm và tuyên bố sẵn sàng cùng với Washington thực hiện cam kết chính trị về việc "đóng băng" các đầu đạn hạt nhân mà hai bên nắm giữ trong giai đoạn này. Trong khi đó, phía Mỹ cho biết họ đã sẵn sàng nhóm họp với Nga để nhanh chóng gia hạn hiệp ước này.
Bên cạnh vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng và an ninh hạt nhân, cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng sẽ thảo luận về sứ mệnh của khối ở Afghanistan và Iraq, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đang có những động thái thể hiện quyết tâm chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào “những cuộc chiến không hồi kết” tại địa bàn Trung Đông.
NATO đã can dự vào Afghanistan khi quân đội Mỹ tới đây từ năm 2001 để lật đổ phiến quân Taliban sau vụ khủng bố 11-9. Liên minh đã kết thúc các sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan từ năm 2014 và giảm đáng kể sự hiện diện tại đây, nhưng vẫn duy trì 12.000 người để làm công tác huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng địa phương. Hồi đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, NATO sẽ chỉ rời Afghanistan khi có thể làm như vậy mà không phải đối mặt với nguy cơ đưa nước này một lần nữa trở thành thiên đường cho các chiến binh thánh chiến.