Những vấn đề pháp lý khi trả hồ sơ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành
Theo luật sư, VKS giữ vai trò quyết định trong quá trình điều tra bổ sung vụ án. Về giám định thương tật nạn nhân, việc này sẽ được tiến hành dựa trên hồ sơ bệnh án của bé A.
Sáng 21/7, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha bé V.A.), Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, người tình của Thái) trong vụ bạo hành khiến bé N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng của Thái) tử vong. Trang bị truy tố về tội Giết người và Hành hạ người khác, còn Thái bị truy tố về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm.
Tại phần thủ tục, luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị xác định tỷ lệ thương tật của bé A. trong các ngày 7-10-11-12/12/2021; xác định Thái là đồng phạm với Trang về tội Giết người, Cố ý gây thương tích.
Sau khi hội ý, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu của luật sư.
Luật sư, nguyên kiểm sát viên Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) có những trao đổi với Zing về các vấn đề pháp lý xoay quanh việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong vụ án này.
Ba tình huống pháp lý sau khi trả hồ sơ
Theo ông Thắng, do HĐXX trả hồ sơ, thời hạn điều tra bổ sung theo quy định sẽ không quá một tháng, căn cứ Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong thời gian này, 3 tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, nếu xét thấy cần thiết đơn vị có đầy đủ năng lực và không cần trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, VKSND TP.HCM sẽ trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như củng cố lời khai, giám định bổ sung thương tích bị hại... để bổ sung tài liệu, chứng cứ vụ án. Sau khi hoàn thiện, làm tròn hồ sơ vụ án, VKS sẽ chuyển hồ sơ sang TAND TP.HCM để tiến hành xét xử.
Thứ hai, nếu xét thấy đơn vị không đủ năng lực để tự điều tra bổ sung, VKS sẽ trả hồ sơ, chuyển ngay cho cơ quan điều tra mà cụ thể trong trường hợp này là Công an TP.HCM để tiến hành điều tra bổ sung. Trường hợp VKS trả hồ sơ, thời hạn điều tra bổ sung tối đa sẽ là 2 tháng.
Đối với 2 trường hợp này, nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung cáo trạng trước đó, thì VKS sẽ phải ban hành cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ tới tòa án. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án, thì VKS ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho tòa án biết.
Thứ ba, nếu xét thấy quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ, cơ quan giữ vai trò công tố sẽ giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho tòa án. Đơn vị sẽ có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quan điểm.
Về phía tòa án, nếu xét thấy cần xét xử bị cáo về khung hình phạt cao hơn so với cáo trạng của VKS, tòa án có thể ra văn bản thông báo về việc đưa ra xét xử bị cáo về điều khoản nặng hơn điều khoản VKS truy tố, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Với việc vụ án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung, các bị cáo sẽ tiếp tục bị tạm giam. Theo Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không được quá thời hạn điều tra bổ sung. Như vậy, nếu VKS là đơn vị điều tra bổ sung, thời hạn tạm giam với các bị cáo sẽ là một tháng, còn nếu cơ quan công tố trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, thời hạn tạm giam tối đa sẽ là 2 tháng.
Khi các bị cáo chấp hành bản án hình sự, thời gian tạm giam sẽ được trừ vào thời gian phải thi hành án phạt tù.
Giám định thương tật nạn nhân ra sao?
Nói về việc giám định thêm thương tật đối với bé A., luật sư Thắng nhìn nhận việc giám định này chỉ có thể tiến hành đối với các thương tích của bé đã được lưu trong hồ sơ bệnh án. Trường hợp các tổn thương không được thể hiện bằng các căn cứ pháp lý cụ thể, việc giám định sẽ rất khó khăn.
"Cơ quan chức năng sẽ dựa trên hồ sơ bệnh án, kết quả chẩn đoán của bác sĩ, kết hợp với dữ liệu camera ghi hình trong những ngày cháu bé bị đánh trước đó để xác định mức độ thương tật của nạn nhân. Trường hợp xác định bị cáo Thái đã tạo điều kiện về vật chất, tinh thần hoặc giúp sức tích cực cho Trang hành hạ cháu, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét thay đổi tội danh. Đối với những thương tích không có trong hồ sơ bệnh án, có thể dựa trên dữ liệu camera về việc Trang đã đánh đập, hành hạ bé A. như thế nào để từ đó xác định thương tích. Tuy nhiên, trường hợp này sẽ rất khó để đưa ra con số chính xác, cụ thể", nguyên kiểm sát viên phân tích.
Bình luận thêm về việc trả hồ sơ của tòa án, ông Thắng nhìn nhận đây là động thái phù hợp nhằm hoàn thiện, làm tròn hồ sơ vụ án và tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình tiến hành tố tụng.
Cũng theo dõi sự việc, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết theo Thông tư 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế, các trường hợp cần giám định thêm tổn hại sức khỏe nạn nhân bao gồm nạn nhân đã chết, nhưng phải xác định thương tích đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết; người được giám định đã được cơ quan có thẩm quyền công bố mất tích hoặc người được giám định đã xuất ngoại có giấy xác nhận của Sở Ngoại vụ.
Có cùng quan điểm với luật sư Thắng, luật sư Hậu nhìn nhận việc giám định sẽ thực hiện qua hồ sơ bệnh án. Đây là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án, xác định tội danh của bị cáo Thái cho phù hợp với quy định.
Theo thông tin hiện có, Trang và Thái đã nhiều lần dùng tay, chân, cây gỗ, roi, cây kim loại (ống nối của máy hút bụi) đánh bé gái bằng nhiều cách thức khác nhau. Trước khi bị đánh đập dẫn tới tử vong ngày 22/12/2021, nạn nhân đã nhiều lần bị hành hạ, việc hành hạ diễn ra trong nhiều giờ. Do đó, ông Hậu cho rằng yếu tố quan trọng trong giám định thương tật sẽ là xác định tổn thương cơ thể để lại từ những lần đánh đập trước và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đối với sức khỏe nạn nhân.