Những vấn đề pháp lý trong thế giới màu nhiệm của AI

Trí tuệ nhân tạo có thể đem tới một làn gió mới cho xuất bản đồng thời đặt ra những thách thức về việc sở hữu trí tuệ, đạo đức AI.

 Cảnh đọc báo trong phim "Harry Potter". Nguồn ảnh: wizardingworld.

Cảnh đọc báo trong phim "Harry Potter". Nguồn ảnh: wizardingworld.

Nếu từng đọc bộ truyện Harry Porter của nữ nhà văn J.K Rowling, hẳn bạn còn nhớ ấn tượng sững sờ của nhân vật chính Harry Porter khi chứng kiến những tờ báo giấy trong thế giới phép thuật mà hình ảnh trên báo có thể chuyển động và nói năng, chữ nghĩa có thể nhảy nhót...

Ra đời vào cuối những năm 1990 ở Anh, bắt đầu được chuyển ngữ sang tiếng Việt vào đầu thập niên 2000, bộ truyện này với những chi tiết kì thú không hề hiện hữu trong đời thực như tờ báo phép thuật nêu trên khiến độc giả trên toàn thế giới say mê, hứng thú. Thế nhưng, tờ báo phép thuật ấy - khả năng ngày một rõ ràng - sẽ xuất hiện trong đời thực ở tương lai gần nhờ AI.

Công nghệ hiện nay nhảy vọt như thế nào?

Thứ nhất, các hình thức nội dung số giờ đây đều có thể được AI, dưới sự ra lệnh của người dùng tạo ra, tùy ý mà kết hợp/tích hợp cùng lúc vài ba hoặc nhiều hơn thế các loại hình sản phẩm số: bạn có thể đọc một cuốn sách điện tử với tranh, ảnh minh họa do AI tạo ra; hoặc bạn có thể nghe cuốn sách đó do AI đọc.

Khi liên kết với môi trường Internet, bạn cũng có thể xem cuốn sách đó kèm các clip do AI tạo ra, hay thậm chí dựa trên cuốn sách đó mà AI sẽ dựng thành phim ảnh. Đó chính là cách mà tờ báo phép thuật trong truyện Harry Porter đi ra đời sống hiện thực.

Thứ hai, bạn không cần được đào tạo chuyên sâu và cần các phần mềm chuyên dụng để tạo ra các sản phẩm nội dung số như trước đây. Các ứng dụng AI ngày càng trở nên phổ biến cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống và tương đối dễ dàng sử dụng với điều kiện bạn dành thời gian không đáng kể để tìm hiểu nó (và nhất là sử dụng thường xuyên để quen với lối tư duy làm việc dựa trên công nghệ).

Điều cản trở lớn hiện nay là cùng lúc bạn có thể phải làm việc với nhiều ứng dụng AI chuyên biệt khác nhau (AI phát triển nội dung, AI sáng tạo hình ảnh, AI xử lí âm thanh…).

 Ông Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Nvidia - Ảnh: Bloomberg.

Ông Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Nvidia - Ảnh: Bloomberg.

Song, vào cuối tháng 7 vừa qua, chủ tịch Công ty công nghệ NVIDIA là Huang Jensen trong buổi thông báo và ra mắt những tính năng công nghệ mới của công ty này đã tuyên bố về một tương lai gần của “con người kĩ thuật số” (digital human) - một trợ lí ảo có khả năng xử lí nhiều tác vụ riêng biệt như con người. Cho đến nay, nhiều người vẫn bán tín bán nghi một viễn cảnh trong điện ảnh như các bộ phim Ma trận (Matrix) hay Kẻ hủy diệt (Terminator) là điều có thể xảy ra.

Cùng sự xuất hiện của những loại hình sản phẩm nội dung số, nhiều vấn đề mới cũng đặt ra trong lĩnh vực xuất bản: về đào tạo nhân lực ngành xuất bản, về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, về pháp lí và cả về đạo đức.

Những vấn đề đặt ra cho xuất bản dưới tác động của AI

Tại Việt Nam, kể từ khi ebook và audiobook đi vào cuộc sống, gần như đồng thời, các hợp đồng bản quyền khai thác sách vở từ nước ngoài bắt đầu xuất hiện các điều khoản về quyền lợi, trách nhiệm gắn với chúng. Thậm chí có thời điểm, gần như bất thành văn, hợp đồng bản quyền sách giấy bắt buộc phải kèm theo mua bản quyền ebook và/hoặc audiobook.

Các yếu tố pháp lý về ebook đã bắt đầu được thảo luận chính thức kể từ trước thềm ban hành Luật Xuất bản sửa đổi, bổ sung năm 2013, về khả năng lưu hành đồng thời hay có thể riêng biệt giữa sách giấy và ebook, về khả năng kiểm soát nội dung của ebook… Đối với các doanh nghiệp xuất bản và phát hành ebook và audiobook, nhiều vấn đề thực tiễn khác còn đặt ra hàng ra hàng ngày hàng giờ như vấn đề bảo mật, chống sao chép,… hay nói cách khác là bảo vệ sở hữu trí tuệ.

 Một người dùng sử dụng trí tuệ nhân tạo vẽ lại nhân vật của Disney. Ảnh: Neuron.

Một người dùng sử dụng trí tuệ nhân tạo vẽ lại nhân vật của Disney. Ảnh: Neuron.

Còn bây giờ, trước đà phát triển quá nhanh chóng của AI - lần đầu tiên trong lịch sử, loài người không kịp nắm bắt kịp sự phát triển của công nghệ, các vấn đề đặt ra còn nhiều hơn và cần kíp hơn, trong đó có vấn đề về đạo đức.

- Làm sao có thể đánh giá và phát hiện đâu là sản phẩm nội dung do con người tạo ra, đâu là do AI tạo ra? Hay sản phẩm nội dung ấy có bao nhiêu phần trăm là do con người, bao nhiêu phần trăm là do AI?

- Vấn đề bản quyền cho các sản phẩm do AI tạo ra như thế nào: người tạo ra sản phẩm có quyền sở hữu hay đơn vị công nghệ làm chủ AI có quyền sở hữu, và nếu công nhận cả hai bên thì quyền sở hữu của mỗi bên đến đâu?

- Tính chính xác về thông tin, hình ảnh trong các sản phẩm do AI tạo ra thế nào? Liên quan tới đạo đức ra sao?

AI chưa đạt tới trình độ cung cấp thông tin chính xác 100%, chưa kể đến trường hợp người sử dụng AI cố tình tạo ra các sản phẩm nội dung số ngụy tạo như thật.

Ví dụ: một phân cảnh trong bộ phim Tây Du kí của Trung Quốc về Đường Tăng tại Tây Lương nữ quốc đã được AI chế lại với tình tiết không hề có trong tác phẩm gốc, khiến người xem tưởng nhầm là thật; phân cảnh ngụy tạo này gần đây được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội giải trí.

Như trong bộ truyện Harry Porter, những chiếc đũa thần tùy việc nằm trong tay ai mà có thể tạo ra cuộc sống tốt đẹp hay trở thành công cụ cho những hành động hắc ám, thì công nghệ mới hiện nay cũng vậy: nó có thể tạo ra phép màu cho cuộc sống song cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu không biết kiểm soát hoặc sử dụng nó mà không dựa trên cơ sở của luật pháp và lương tri.

Vũ Trọng Đại

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-van-de-phap-ly-trong-the-gioi-mau-nhiem-cua-ai-post1495773.html