Những vấn đề phát sinh khi vận hành đường sắt trên cao

Khi chính thức đi vào hoạt động, các tuyến đường sắt trên cao đã bộc lộ nhiều điểm bất cập trong việc kết nối với các hệ thống giao thông công cộng khác.

Việc hai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông và Metro Nhổn – ga Hà Nội đi vào vận hành có thể coi là một bước ngoặt lớn của giao thông Thủ đô.

Các dự án này được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực cho hệ thống giao thông và góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, khi chính thức đi vào hoạt động, các tuyến đường sắt này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, trong đó có việc kết nối hạ tầng giao thông.

Nhiều người phải di chuyển bằng xe buýt với nhiều tuyến khác nhau mới có thể đi đến điểm nhà ga mong muốn.

Nhiều người phải di chuyển bằng xe buýt với nhiều tuyến khác nhau mới có thể đi đến điểm nhà ga mong muốn.

Vui mừng vì có tuyến đường sắt trên cao giúp giảm áp lực di chuyển trong nội thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huyền ở huyện Thanh Oai chấp nhận đi xe máy 10 km để đến ga Yên Nghĩa bắt chuyến tàu vào nội thành. Tuy nhiên, việc di chuyển sau đó vẫn là bài toán khó vì tuyến có quá ít điểm đến.

Chị Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Chẳng hạn mình muốn đi xuống Hoàng Mai hoặc đi đến các điểm sâu hơn nữa, thế nhưng điểm cuối cùng chỉ lên đến Cát Linh thôi. Nhiều khi mình muốn đi bằng phương tiện công cộng nhưng di chuyển như này mất quá nhiều lần phải xuống xe”.

Còn với nhiều người khác, nếu không đi lại bằng xe máy, họ cũng phải di chuyển bằng xe buýt với nhiều tuyến khác nhau mới có thể đi đến điểm nhà ga mong muốn.

Bãi gửi xe kín chỗ vì số lượng người gửi để sử dụng đường sắt trên cao tăng mạnh.

Bãi gửi xe kín chỗ vì số lượng người gửi để sử dụng đường sắt trên cao tăng mạnh.

Tại điểm nhà ga Yên Nghĩa, Hà Đông, mỗi sáng có đến hàng trăm người đi máy đến đây và gửi lại bãi trông giữ xe để tiếp tục sử dụng đường sắt đô thị trên cao.

Anh Lê Minh Khai, nhân viên trông giữ xe, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yên Bình, cho hay: “Đầu giờ sáng thì hay có người cao tuổi đi khám bệnh hay học sinh, sinh viên. Nói chung chủ yếu người gửi xe là người đi làm. Cuối tuần thì sẽ vắng hơn, còn ngày thường khoảng hơn 400 – 500 người đến gửi xe. Từ trước thì để xe cả ngày không vấn đề gì, nhưng bây giờ cứ 8h30 – 9h00 coi như bãi kín hết”.

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có phương án điều chỉnh luồng các tuyến buýt nhằm tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách cho các tuyến đường sắt đô thị. Đây lại là một bài toán mới cho chính quyền thành phố và chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Mai Linh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-van-de-phat-sinh-khi-van-hanh-duong-sat-tren-cao-260843.htm