Những vần thơ tự hát trái tim yêu

Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Niềm đam mê ấy đã trở thành sức mạnh diệu kỳ giúp người phụ nữ tài hoa ấy vượt qua tất cả để mãi thủy chung với nàng thơ và cống hiến trọn đời mình cho văn học.

Xuân Quỳnh là gương mặt thơ tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Năm 13 tuổi, được nhận vào đoàn văn công nhân dân Trung ương, chị đi biểu diễn khắp nơi. Nhưng ở Xuân Quỳnh lòng ham mê thơ còn lớn hơn.

Đường thơ của Xuân Quỳnh, trong khoảng một phần tư thế kỉ, không chỉ để lại số lượng tác phẩm lớn mà điều đáng nói là hồn thơ luôn giữ được vẻ đẹp tươi mới và nồng nhiệt. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng, là nhịp đập, là hơi thở của một tâm hồn mãi thiết tha với cuộc đời, với con người, khát khao tình yêu, nâng niu hạnh phúc bình dị của đời thường.

Bao giờ cũng vậy, những vần thơ của chị giữ mãi vẻ đẹp của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, hồn nhiên nhưng lại ẩn chứa nhiều âu lo và luôn da diết trong khát vọng cõi đời. Thành thật với chính mình và với mọi người đến từng chi tiết, vì lẽ đó, Xuân Quỳnh đã thắp lên trong cảm quan người đọc một mầm sống rạo rực đến cháy bỏng khôn nguôi. Thơ - với Xuân Quỳnh, là sự tiếp tục - trọn vẹn và sâu sắc thêm - cuộc sống của chính mình.

Tơ tằm - chồi biếc; Hoa dọc chiến hào; Gió lào cát trắng; Lời ru trên mặt đất; Tự hát; Sân ga chiều em đi; Hoa cỏ may… là những tác phẩm đẹp mà Xuân Quỳnh gửi lại cho đời. Đó chính là những phần tinh túy nhất của tâm hồn mà chị dành tặng cho cuộc sống rất đỗi mến yêu này.

Đọc thơ Xuân Quỳnh, độc giả nói chung, bạn đọc trẻ nói riêng có sự đồng cảm cao bởi ở đó chị đã nói một cách thấm thía khát vọng cõi lòng về sự tương giao vĩnh hằng của tình yêu. Xuân Quỳnh là cây bút nữ làm thơ tình hay và có duyên con gái mặn mà. Thơ tình yêu là một mảng đặc sắc và rất tiêu biểu cho hồn thơ của chị.

Mãi còn đó một Thuyền và biển dịu dàng say đắm, mãi còn đó một Sóng da diết, đam mê; mãi còn đó một Thơ tình cuối mùa thu nồng nàn, rạo rực… Tất cả là sự thổn thức, tiếng nói trực tiếp bày tỏ những khát khao sôi nổi, mãnh liệt và chân thành, tự nhiên của một trái tim phụ nữ đa cảm trong tình yêu.

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa bão gió

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió

Mùa đi cùng tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

“Thơ tình cuối mùa thu” nghe như một lời tự sự, thủ thỉ nhẹ nhàng sâu lắng mà nồng nàn về chút tình riêng tư của chính nữ sĩ. Lời thơ lãng mạn, bay bổng, man mác và da diết, xốn xang. Tiết trời heo may, không gian đất trời mùa Thu đã se duyên, dệt nên bao thương nhớ. Tình yêu của anh và em đắm say, ngọt ngào.

Vẻ đẹp tình yêu lứa đôi dệt bao mộng đẹp. Lời tâm tình gửi vào trong thơ, mở ra bao bâng khuâng trong lòng người đọc. Bằng cả trái tim yêu và sự trải nghiệm chân thành, dường như bao giờ vọng lên trong thơ Xuân Quỳnh là niềm trắc ẩn, là những dự cảm, lo âu: Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa bão gió/ Tình ta như như dòng sông/ Đã yên mùa thác lũ…

Điệp từ “đã” đầy chiêm nghiệm, nhưng cũng đầy niềm tin. Người phụ nữ đa cảm ấy đã đi qua bao mùa mưa bão để càng vững tin hơn về giá trị của tình yêu chung thủy. Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mang/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em…

Thể thơ năm chữ, ngôn từ sáng trong, giàu hình ảnh, giọng thơ tha thiết của Xuân Quỳnh được thăng hoa cùng giai điệu đẹp của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tạo nên tác phẩm đi cùng tháng năm trong lòng người nghe.

Ở Thuyền và biển, Xuân Quỳnh đánh thức trong lòng bạn đọc những khao khát yêu thương mãnh liệt; những nhớ nhung trào dâng, những đớn đau khắc khoải:

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông dường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu.

Thuyền và biển là hai hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Thuyền nghe lời biển, biển dỗ dành thuyền - một sự giao hòa, thấu hiểu dung dị đến tuyệt vời. Tha thiết thế nên mỗi lần xa cách, nỗi mong nhớ, đau đáu đến da diết, khôn nguôi:

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.

 Nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh.

Xuân Quỳnh đã mượn hình ảnh của tự nhiên để thể hiện khát khao hạnh phúc, tình yêu sâu nặng và chung thủy, vượt qua mọi cản trở, giới hạn của không gian và thời gian.

Nhận xét về thơ Xuân Quỳnh, Kiều Vân đã viết: “Cũng giống như hầu hết các nữ sĩ Đông, Tây, kim, cổ, Xuân Quỳnh làm thơ cốt để diễn tả cuộc sống của mình trên mọi phương diện: Những khát khao, những tình cảm, những suy nghĩ và cả “sự sống” của người phụ nữ. Vì lẽ đó, thơ của chị hầu hết là thơ trữ tình.

Trong bài thơ Thuyền và biển, nữ sĩ lấy câu chuyện thuyền, biển giữa đại dương bao la để nói đến câu chuyện tình yêu của anh và em. Hành trình của thuyền và biển giống như hành trình của anh và em trong tình yêu. Ở đây nhà thơ kể về sự vươn mình đi ra biển lớn của thuyền, dù chẳng biết rằng đâu là bến bờ để nói về khát vọng lớn lao, vĩnh cửu trong tình yêu và sự hội ngộ.

Hướng về cái vô biên, tuyệt đích, rộng mở để kiếm tìm hạnh phúc, để những trái tim yêu thật sự hòa hợp. Khát vọng đó thật đẹp, thật nhân bản, sâu xa giữa cuộc sống. Sự gắn bó giữa biển và thuyền là sự tồn tại vĩnh hằng của tình yêu. Đó là khát vọng mãi có nhau, thủy chung, nồng thắm đến bất tử của tình yêu giữa cuộc đời.

Là một giọng thơ nữ tính đầy khao khát yêu thương, mạnh dạn, sắc sảo trong cách thể hiện nhưng vẫn rất đằm thắm, tinh tế và mang nét đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại, vì thế bài nào cũng có sức lay động lòng người. Sóng là một trong số các bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh. Ra đời cách đây 57 năm nhưng độ nồng nàn, đắm say của nó vẫn không phai giảm trong niềm đam mê của độc giả, được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn nhiều năm liền:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Mượn con sóng để biểu tượng cho tình yêu. Cũng giống như con sóng ngàn năm mãi vỗ, khát vọng về tình yêu luôn là nỗi khao khát muôn thuở của nhân loại, bởi nói như Xuân Diệu Có ai sống được mà không yêu. Và có lẽ với những gì từng trải của cuộc đời, Xuân Quỳnh nói rất đúng, tình yêu bao giờ cũng đi liền với nỗi nhớ. Nữ sĩ diễn tả nỗi nhớ thật ấn tượng, hấp dẫn.

Điệp từ “nhớ” vang vọng trong thơ, khi thì sử dụng cách nói ẩn dụ, nhân hóa “con sóng nhớ bờ”, khi thì giãi bày trực tiếp “lòng em nhớ đến anh”… nhằm khẳng định tính chất, chiều sâu của nỗi nhớ. Tình yêu càng mãnh liệt thì nỗi nhớ càng da diết : Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức.

Nỗi nhớ trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu bao trùm cả không gian, xuyên suốt thời gian, tồn tại trong ý thức, đi sâu vào tiềm thức; da diết và khắc khoải. Nỗi nhớ xâm chiếm, bao lấy toàn bộ trái tim, tâm hồn người con gái khi yêu. Tình yêu có sâu sắc, thủy chung mặn nồng thì nỗi nhớ mới da diết đến thế.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh dịu dàng, dung dị nhưng cũng rất táo bạo, chân thành, dám yêu và dám bộc lộ tất cả nỗi lòng mình. Đó là thứ tình yêu hết mình, quên mình, nó cũng đòi hỏi sự duy nhất, sự tuyệt đối, vô biên. Vì lẽ đó, nhân vật trữ tình bao giờ cũng thao thức, trăn trở:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Đó là ước muốn, là khát vọng hòa nhập vào cõi vĩnh hằng, sống mãi, vĩnh viễn hóa để tình yêu còn mãi với thời gian, với mỗi người. Đó chính là nhịp cầu tri âm trong tứ thơ của Xuân Quỳnh. Đến với thơ chị dễ nhận ra một điều: Xuân Quỳnh đã khéo léo dùng hình ảnh sóng, biển, thuyền, mùa Thu… để thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: Đằm thắm, đôn hậu, dịu dàng, tinh tế, nhạy cảm, thủy chung và mạnh mẽ, sôi nổi, rạo rực, đắm say… Về sau này, khi con tim ngày càng đau nặng, Xuân Quỳnh lại càng khắc khoải hơn với mong ước:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai cũng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Và biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

Đọc thơ Xuân Quỳnh ta như đang đối diện và lắng nghe những tâm tư, tình cảm nồng hậu của nhân vật trữ tình – người phụ nữ đầy khao khát, khắc khoải trong tình yêu và hạnh ngộ đời thường. Người đàn bà ấy bao giờ cũng lắm lo âu, trăn trở. Từ những vần thơ hát lên từ trái tim đa cảm đa mang, ta dễ đồng cảm với vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh: Dịu dàng, ý nhị mà nồng nàn, mãnh liệt; hồn nhiên, trực cảm mà sâu lắng, suy tư.

Cuộc đời đa đoan, nhiều lo âu, vất vả và trái tim đa cảm của người phụ nữ đã tạo nên những nét riêng đặc sắc của cái tôi thi sĩ trong thơ Xuân Quành. Đó là một cái tôi dịu dàng, nữ tính; một cái tôn đôn hậu thành thực, bao dung và vị tha.

Trong thơ Xuân Quỳnh luôn đan xen những cung bậc cảm xúc, tâm trạng. Cái ước muốn, khát vọng yêu và được yêu chân thành, sâu sắc, mãnh liệt luôn gắn với sự trăn trở, cảm thức lo âu về dông bão, về sự tan vỡ, không đủ đầy, trọn vẹn: Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay. Nữ sĩ xem tình yêu là cứu cánh:

Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa

Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa

Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự người hơn

Trải lòng mình lên mỗi dòng thơ, đọc thơ Xuân Quỳnh ta lại nghe tiếng lòng thổn thức. “Điều đáng quý ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật, rất thành thật, thành thật trong quan hệ với bạn bè, với xã hội và cả trong tình yêu. Chị không quanh co, không dấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm và suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ, ta có thể biết được khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi của thơ Xuân Quỳnh” (Võ Văn Trực).

Trần Văn Toản (Giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học Huế)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-van-tho-tu-hat-trai-tim-yeu-post702805.html