Những vật dụng y tế không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình
Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình có em bé, người lớn tuổi hoặc người có các bệnh mạn tính…, luôn cần phải có một tủ thuốc y tế dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Vậy những dụng cụ y tế không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình gồm những gì?
Dược sĩ Chuyên Khoa II Lý Thị Nhất Định, nguyên Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP.HCM, nguyên Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết: Dụng cụ y tế đầu tiên không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình là nhiệt kế (còn gọi là cặp nhiệt độ) dùng để đo thân nhiệt, sau đó là máy đo huyết áp và gần đây nhất từ khi COVID-19 xuất hiện, chúng ta biết thêm 1 dụng cụ y tế nữa là máy SPO2.
Băng cá nhân, nghe có vẻ buồn cười nhưng thực tế cha mẹ hay sắm đồ mới cho bé, mang giày mới dễ bị đau chân. Một miếng băng cá nhân dán vào chỗ đau sẽ giúp đi lại thuận tiện hơn. Trong tủ thuốc gia đình cũng nên có bông băng cồn gạc, túi chườm nóng lạnh….
Khi trong nhà có người bị mệt, cảm giác nóng sốt, hãy dùng ngay nhiệt kế để đo thân nhiệt cho họ. Có nhiều cách đo thân nhiệt gồm:
- Thân nhiệt có thể đo ở nách bằng cách đặt nhiệt kế vào hõm nách bệnh nhân, sau đó khép tay lại, giữ tay khép vào, phần cẳng tay để vắt ngang ngực, chờ 5 phút rồi rút nhiệt kế ra và đọc kết quả. Nhiệt độ từ 37,5 0 C trở lên là sốt.
- Đo nhiệt độ ở miệng: Đặt bầu nhiệt kế vào trong miệng dưới lưỡi, ngậm miệng trong 3 phút, nhiệt độ ở miệng trên 38 0 C là sốt.
- Đo nhiệt độ hậu môn (dùng cho trẻ em hoặc người già khi không lấy được nhiệt độ theo đường miệng hoặc cặp ở nách): Đặt bầu nhiệt kế vào miếng gạc tẩm chất bôi trơn. Đặt bệnh nhân nằm sấp, đưa nhẹ bầu nhiệt kế vào sâu trong hậu môn khoảng 2,5 - 3,5cm, giữ nguyên nhiệt kế trong hậu môn 3 phút. Rút nhiệt kế ra và đọc kết quả: nếu nhiệt độ trên 380C là sốt.
Ngoài ra còn có thể dùng nhiệt kế hồng ngoại đo ở tai hoặc trán cho kết quả nhanh trong 3 giây hoặc nhiệt kế điện tử trong vòng 1 phút dễ sử dụng cho em bé, chỉ việc đặt nhiệt kế vào tai hoặc trán. Bình thường, nếu đo thân nhiệt ở nách thì kết quả cộng thêm 0,5 - 0,7 0 C; đo ở miệng, lỗ tai, trán thì kết quả cộng thêm 0,1 - 0,3 0 C.
Túi chườm nóng - lạnh có tính năng đa dạng, được các chuyên gia y tế khuyên dùng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm khớp hay phong tê thấp… Trong đó, túi chườm nóng (túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơ le khống chế nhiệt ở khoảng 60 đến 70 độ) thường áp dụng cho các trường hợp như đau dạ dày hoặc đau khớp xương. Cũng có thể áp dụng chườm nóng cho trẻ nhỏ hoặc người già khi trời rét, cho phụ nữ sau sinh. Chườm nóng sẽ giúp tăng cường sự tuần hoàn máu, làm giảm nhức mỏi, tê chân tay, giảm đau, giảm cứng cơ và thư giãn cơ bắp.
Túi chườm lạnh (túi chườm nhựa nylon và PVC Polyvinyl clorua bên trong bọc gel hóa chất giữ nhiệt) chườm lên cơ thể giúp ngăn lưu lượng máu đến vùng bị thương tổn làm giảm sưng, đau nhức, bầm tím, bong gân khi va chạm mạnh do chơi thể thao hay nâng vật nặng.
Túi chườm thảo mộc là loại túi được làm bằng vải truyền nhiệt và các thành phần thảo mộc tự nhiên bên trong có hương thơm tác động vào khứu giác giúp phấn chấn, thư giãn.
Máy đo huyết áp có công dụng xác định tần số huyết áp, nhịp tim của cơ thể, có thể giúp chúng ta dễ dàng theo dõi và kiểm soát chỉ số này. Những gia đình có người mắc bệnh huyết áp, những bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc có người lớn tuổi rất cần phải trang bị sẵn dụng cụ y tế này. Có 3 loại máy đo huyết áp là máy cơ, điện tử và thủy ngân.
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. Huyết áp được đo bằng đơn vị mi-li-mét thủy ngân (mmHg).
Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) là áp lực của máu lên động mạch khi tim co (tim ở trạng thái co bóp). Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) là mức huyết áp thấp nhất trong lòng mạch máu xảy ra giữa các lần tim co bóp, là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra (cơ tim được thả lỏng).
Theo WHO, huyết áp trong giới hạn 120/80 mmHg là huyết áp tối ưu. Nhịp tim người khỏe mạnh là từ 60- 80 nhịp/phút. Người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Huyết áp có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng, thời gian con người ngủ say nhất và huyết áp sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh đều có thể làm cho huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp sẽ hạ xuống.