Những vẻ đẹp thiền
Đó là những vẻ đẹp lóe lên trong một khoảnh khắc nào đó của đời sống. Nhẹ nhàng, giản dị thôi nhưng mở tâm hồn ta vào một vùng trời mới. Trước vùng trời ấy, ta bị bó hẹp, thậm chí bị cầm tù trong thế giới định kiến. Sau vùng trời ấy, những chiều kích thăm thẳm, ngút ngát được mở ra.
Năng lượng ấm sáng
Khi chúng ta thấy một nguồn năng lượng tươi sáng trên gương mặt những người bạn, đó là khi chúng ta thấy lòng mình ấm lên một chút.
Khi chúng ta biết rằng nguồn năng lượng ấy không tự nhiên mà có, mà là kết quả của một quá trình dài thân trở về tâm, kết nối sâu sắc vào từng hơi thở - từng bước chân thực tại thì chúng ta càng cảm nhận được chiều sâu thăm thẳm của nguồn năng lượng đó.
Khi chúng ta ngồi nói chuyện trọn vẹn với bạn mình, chạm vào được chiều sâu tươi sáng đó, độ ấm trong lòng ta càng tăng thêm.
Khi độ ấm trong lòng ta càng tăng thêm, cộng hưởng với nguồn năng lượng tươi sáng trong chiều sâu gương mặt của một người bạn thì cái ghế mà ta và bạn đang ngồi cũng ít nhiều được xúc chạm với một vẻ đẹp vô hình của đời sống.
Vài phút nữa, ta và bạn rời khỏi cái ghế, một người khác sẽ ngồi lên ghế đó. Người ấy có thể đang rất vui, rất hạnh phúc và nguồn năng lượng tươi vui, hạnh phúc đó tiếp tục tỏa xuống cái ghế một vẻ đẹp. Người đó có thể rất u buồn, chán nản, hy vọng những năng lượng tốt lành được tích tụ trên mặt ghế sẽ giúp tâm hồn người đó được nương đỡ phần nào.
Vạn vật trong vũ trụ tương tác với nhau theo những cách như thế. Nơi mà giá trị của những nguồn năng lượng vô hình là có thật.
Một ngày Thứ bảy được xúc chạm với những nguồn năng lượng đẹp nhé, hỡi những bạn bè/khán giả yêu quý của tôi. Những người mà dẫu đang ngồi rất xa tôi, ở một đất nước rất xa tôi nhưng chắc chắn vẫn kết nối với tôi qua một nguồn năng lượng mà tôi thấy rõ.
Hít một hơi thở vào, ta thấy rõ nguồn năng lượng đó ở trong ta!
Dắt tổn thương đi chơi
Đa phần, khi ở trong tổn thương, mục tiêu số 1 của người bị tổn thương là phải cố gắng luyện tập làm sao để cắt đứt tổn thương. Chính mục tiêu đó đã tạo ra áp lực lớn. Tin tôi đi, tổn thương là con quái vật tai ác, không dễ cắt ngay. Hoặc, tạm cắt được nó khỏi ý thức lúc này thì nó chui vào vô thức, lúc khác lại nhô lên, chiếm đoạt ý thức. Chẳng nhẽ mỗi lúc như thế lại phải đi chữa lành?
Do vậy, mục tiêu nên tìm đến là: Không phải cắt đứt khổ đau - đoạn trừ thương tổn, mà là xây dựng năng lượng tỉnh thức ngày càng lớn lên bên trong mình. Chúng ta có thể áp dụng một số kĩ thuật thiền (phù hợp với từng trường hợp cụ thể, tuyệt đối không máy móc) để vùng năng lượng này được gọi ra nhanh hơn (nó vốn có trong bạn mà), lớn lên nhanh hơn, khỏe mạnh nhanh hơn. Đến khi nó đủ khỏe rồi thì chẳng cần làm gì đâu, nó sẽ tự xâm lấn vùng năng lượng tổn thương, u tối.
Đến mức, tới một giai đoạn nào đó ta có thể tự đối thoại với đau khổ, mỉm cười trước tổn thương, rồi dắt tổn thương đi chơi lang thang trong công viên tâm trí. Nhẹ nhõm vô cùng.
Năng lực thấu cảm cần nuôi dưỡng
Một người hỏi ChatGPT về tiêu chí trở thành nhà khoa học xuất sắc. Câu trả lời: Là người da trắng. Mặc dù lỗi này đã sớm được khắc phục nhưng chắc chắn sẽ có thêm những vấn đề kiểu như thế xuất hiện.
Có nghĩa, ChatGPT có thể cung cấp cho con cái chúng ta cả một rừng thông tin, nhưng không dễ (hoặc không thể) tạo nên một hành lang đạo đức.
ChatGPT có thể tạo ra hàng loạt câu trả lời xuất sắc nhưng không dễ truyền cảm hứng, không dễ tạo nên sắc thái của từng câu chuyện - như một ánh mắt ấm áp, một giọng nói truyền cảm, một trái tim nhân văn.
Sống trong thời của ChatGPT và dưới sự bủa vây tứ phía của công nghệ - ăn công nghệ/ngủ công nghệ/thở trong công nghệ, con cái chúng ta có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng nhân cách lạnh lùng. Thậm chí, khi mọi quyết định được đưa ra dựa trên các chỉ số dữ liệu thuần túy thì nguy cơ ”độc tài dữ liệu” là có thật.
Những đứa trẻ xoay xở trong dữ liệu, thở trong công nghệ càng cần phải được trang bị năng lực thấu cảm trong tương tác người - người.
Thấu cảm để hiểu nhau. Để tha thứ cho nhau. Để bao dung với nhau. Và, để nhân đạo với chính mình. ChatGPT rất khó dạy những đứa trẻ sự thấu cảm và là một tấm gương thấu cảm, cho dù nó có thể trả lời xuất sắc những câu hỏi về thấu cảm.
Vạn vật do duyên
Chúng ta thường có cảm giác khiêm nhường khi đối diện với mặt trời và cho rằng mình là đối tượng tiếp nhận ân sủng mà mặt trời ban tặng: Ánh sáng. Nhưng, ngược lại, nếu như không có chúng ta - một loài trong muôn loài thì có lẽ ánh sáng cũng không có nhiều giá trị. Bởi, giá trị trong không ít các trường hợp không nằm ở sức mạnh và sự lan tỏa bên trong, mà nằm ở cách thức tiếp nhận của những đối tượng bên ngoài. Nếu không có chúng ta, không có đối tượng thức nhận giá trị của ánh sáng thì có lẽ ánh sáng và bóng tối cũng chẳng khác gì nhau. Trong cõi vũ trụ này, hóa ra mỗi đối tượng đều có nhiệm vụ riêng của mình, tương tác qua lại ít nhiều với nhau. Nhiệm vụ của mặt trời là tỏa sáng. Nhiệm vụ của chúng ta là thưởng thức ánh sáng.
Chúng ta không có nhiệm vụ phát sáng. Mặt trời không có nhiệm vụ thưởng thức ánh sáng (chắc mặt trời không ái kỉ đến mức tự thưởng lãm ánh sáng của mình). Những nhầm lẫn trong việc xác định nhiệm vụ có thể sẽ phá đi tính cân bằng bền vững của những hệ cấu tạo.
Ngày mai mặt trời lại ló rạng.
Ngày mai chúng ta lại thưởng thức thứ năng lượng mà mặt trời tỏa ra.
Vạn vật do duyên mà thành, do duyên mà gặp, do duyên mà tương tác, do duyên mà lan tỏa giá trị với nhau.
Khoảng trống trong mình
Có một hồi, rất lâu rồi, tôi đi mua bức tượng ngài Thích Ca. Xin nói chính xác là mua, chứ không phải thỉnh, vì tôi không hô thần nhập tượng, cũng không thần thánh hóa đức ngài. Tuy nhiên, mắt mũi hôm ấy quáng gà thế nào mà về nhà ngắm kỹ mới thấy bức tượng này gần với phong cách ngài A Di Đà hơn ngài Thích Ca. Thật bụng, tôi chỉ thích chiêm bái ngài Thích Ca, vì thích các tư tưởng triết học của ngài (ngài A Di Đà có ý nghĩa tâm linh, không có ý nghĩa lịch sử).
Vậy phải làm sao? Chẳng nhẽ lại mang ra đổi? Không! Đã mua là không đổi. Tôi vẫn bày bức tượng ngài A Di Đà ở chỗ trang trọng nhất trên giá sách. Và, mỗi ngày trôi qua, từng ngày, tôi chiêm bái bức tượng ngài mà cứ tin rằng đấy đích thực là ngài Thích Ca.
Rồi một đêm tôi nằm mơ, bức tượng bị mất, thay vào đó chỉ còn là một viên sỏi. Trong giấc mơ ấy, tôi nhìn viên sỏi và tự khẳng định: Đấy đích thị là ngài Thích Ca. Cách đây ít phút, do bị hoa mắt, tôi nhìn về phía ngài mà cũng không thấy ngài, chỉ thấy nhòe nhoẹt hình hài của vài quyển sách chồng lấn lên nhau. Nhưng, trong cơn hoa mắt đó, nhìn những quyển sách đó, tôi vẫn tin đấy là ngài Thích Ca.
Và, bây giờ trong tôi nảy lên suy nghĩ: Nếu vì một lý do nào đó, người đang sống cùng với tôi mang bức tượng đi chỗ khác thì khoảng trống mà bức tượng để lại - phải rồi, chính nó, cái khoảng trống ấy cũng vẫn cứ là ngài Thích Ca.
Độc giả nghĩ sao?
Càng biết càng buông
Đọc kinh sách để làm gì? Để biết!
Biết để làm gì? Để nói với người khác là mình biết? Để vặn vẹo người khi thấy cái biết của họ không giống với cái biết của mình?
Tùy từng căn cơ mà mỗi cái biết, ở mỗi giai đoạn lại hướng đến một mục tiêu riêng. Đi qua một giai đoạn, nhìn lại nó từ góc nhìn hôm nay, đôi khi ta thấy ngại ngần, xấu hổ với cái biết của ta ngày cũ. Âu cũng thường tình.
Suy cho cùng, biết là để ứng dụng. Ứng dụng thế nào để cắt được càng nhiều độc tố tham - độc tố sân - độc tố si trong mình càng tốt. Trong quá trình cắt bỏ, càng thoát khỏi cái biết (thay vì bị kẹt vào cái biết) càng nhẹ nhõm. Giống như lời Đức Phật dạy ta: Muốn qua sông thì phải đi bè. Nhưng, sang sông rồi thì phải bỏ bè ở lại.
Qua sông rồi mà cứ khư khư vác bè lên vai thì cái bè lại trở thành vật bám dính. Mà khi đã bám dính thì nó rất dễ trở thành công cụ để đi ăn - thua với những chiếc bè khác trên cùng một dòng sông hoặc những chiếc bè khác trên dòng sông khác.
Nếu không biết thì không có công cụ giải thoát.
Nhưng, biết mà không chịu buông thì cũng không sao giải thoát.
Biết để buông.
Biết để buông.
Biết để buông.
Khó thế! Nhưng, có sự tu tập nào ở trên đời là dễ dàng đâu!
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/nhung-ve-dep-thien-i684931/