Những vết sẹo do trường học đóng cửa
Ngày 22/8, các trường học Philippines chính thức tái mở cửa sau hai năm rưỡi dạy trực tuyến, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia đóng cửa trường học do đại dịch lâu nhất trên thế giới.
Dù thời gian đã được ấn định, trên thực tế các trường phổ thông tại Philippines chưa sẵn sàng mở cửa trực tiếp trong tháng 8. Do đó, các địa phương sẽ mở cửa trường học từng bước một trong thời gian tới. Dự kiến đến tháng 11 năm nay, toàn bộ học sinh trên toàn quốc sẽ trở lại học trực tiếp.
Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những lý do hàng đầu gây nên sự chậm trễ này là cơ cấu xã hội của Philippines. Hiện nay, nhiều trẻ em nước này sống với ông bà – những người dễ bị tổn thương bởi Covid-19 do tuổi già và mắc bệnh nền. Vì vậy, các gia đình ngần ngại cho con trở lại trường khi tình hình dịch chưa được kiểm soát và khả năng mang virus về nhà vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, các trường học Philippines, đặc biệt ở vùng khó, vùng sâu, vùng xa thường nằm trong tình trạng quá tải sĩ số. Đơn cử, trước dịch Covid-19, sĩ số lớp học trung bình ở các trường công lập là 60 học sinh.
Với số lượng học sinh đông, việc giãn cách xã hội trong lớp học là điều khó thực hiện. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nên việc tách lớp cũng gặp khó khăn. Chưa kể, nhiều học sinh đến từ các gia đình nghèo không đủ tiền mua sách giáo khoa, vẫn còn phải dùng chung sách, đồ dùng học tập với bạn bè trong lớp.
Vì vậy, dù mong muốn con được trở lại trường học tập, nhiều phụ huynh Philippines vẫn ngần ngại với kế hoạch tái mở cửa của ngành Giáo dục.
Chị Cristina Martinez, 31 tuổi, sống tại thị trấn ven biển Hagonoy, cho biết các con của chị “hầu như không thể đọc các câu hoàn chỉnh”, đặc biệt là bằng tiếng Anh – ngôn ngữ được sử dụng trong sách giáo khoa Toán và Khoa học.
“Tình hình thật khó khăn cho lũ trẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng tôi không thể làm gì nhiều để bù đắp lại hai năm dịch vừa qua”, chị Cristina thừa nhận.
Không chỉ làm gián đoạn sự phát triển của trẻ em, thời gian học trực tuyến kéo dài đe dọa để lại những “vết sẹo” lớn cho nền kinh tế Philippines.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc đóng cửa trường học kéo dài làm giảm khả năng cơ bản về đọc, viết và có thể làm giảm năng suất, thu nhập của trẻ khi các em gia nhập lực lượng lao động trong tương lai.
Chuyên gia kinh tế Arsenio Balisacan cho rằng, để bù đắp 2 năm học gián đoạn vừa qua, ngành Giáo dục cần xây dựng chương trình bổ sung kiến thức cho học sinh nhỏ tuổi; đồng thời, tăng cường đào tạo cho sinh viên đại học.
Đầu tư cho giáo dục ở Philippines hiện nay cũng chưa cao. Ước tính, chi tiêu cho giáo dục tiểu học ở mỗi trẻ em Philippines thấp hơn 30% so với mức trung bình của các nước thu nhập thấp. Thu nhập hàng tháng của giáo viên đầu cấp tiểu học và THCS cũng ở mức thấp là hơn 400 USD (khoảng 9 triệu đồng).
Trong bài phát biểu nhậm chức hồi tháng 6, Tổng thống Philippines Ferdinand Marocs Jr nhấn mạnh phân bổ chính sách nâng cao giáo dục và cải cách giáo dục như sửa đổi chương trình giảng dạy là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Thời gian tới, Philippines sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống giáo dục đem lại kỹ năng và việc làm cho các thế hệ tương lai.
Theo Bloomberg
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-vet-seo-do-truong-hoc-dong-cua-post604459.html