Những việc cần biết khi bảo dưỡng xe máy dịp Tết
Kiểm tra hệ thống phanh, hệ thống lốp, ốc, còi, đèn xe... là những hạng mục cần quan tâm khi đưa xe máy đi bảo dưỡng, sữa chữa dịp trước Tết.
Theo Báo Giao thông, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tại các đại lý, cửa hàng sửa chữa xe máy, xe mô tô ở Hà Nội đang tấp nập khách hàng đưa xe đến bảo dưỡng, sửa chữa.
Anh Nguyễn Hữu Tuấn (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời điểm cuối năm phải đi chúc Tết, liên hoan, hội hè nhiều nên khi chưa quá bận rộn, anh liền đưa chiếc Honda Wave Alpha của mình đi bảo dưỡng, vừa đỡ "cập rập" vừa không phải ngồi chờ lâu vì quá đông. "Xe máy là phương tiện tôi thường xuyên sử dụng để đi làm hàng ngày và cũng là công cụ để di chuyển du xuân. Dịp Tết hầu hết các cửa hàng sửa xe đều đóng cửa nên trước Tết cần phải bảo dưỡng xe để sửa chữa kịp thời những hư hỏng và yên tâm đi lại", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Anh Vũ Văn Thư, kỹ thuật viên tại đại lý HEAD Hồng Hạnh trên đường Lê Đức Thọ, Hà Nội cho biết, việc kiểm tra, bảo dưỡng xe dịp trước Tết là rất cần thiết để đảm bảo xe vận hành tốt, an toàn trong những ngày đầu năm mới. Theo đó, các hạng mục cần kiểm tra cho xe máy gồm:
Hệ thống phanh
Khi kiểm tra hệ thống phanh cần kiểm tra độ mòn của phanh, trường hợp xe sử dụng phanh dầu thì kiểm tra độ dầu của phanh. Nếu má phanh bị mòn thì cần phải thay thế còn dầu phanh ít thì cần bổ sung dầu phanh.
Nếu hệ thống phanh hoạt động kém hiệu quả sẽ gây nguy hiểm trong quá trình lưu thông nhất là khi gặp những tình huống bất ngờ, cần sử dụng phanh.
Hệ thống lốp
Kiểm tra áp suất hơi lốp, độ mòn của lốp để kịp thời thay lốp khi cần thiết. Nếu lốp mòn có thể gây ra hiện tượng trơn trượt, láng đường gây nguy hiểm, nhất là thời tiết mưa và ẩm ướt dịp Tết.
Dầu máy
Kiểm tra thay dầu máy cũng là việc cần thiết, chưa kể, đây còn là hạng mục kiểm tra định kỳ của xe máy. Nếu dầu máy bị ít, nguy hiểm hơn là hết dầu sẽ khiến động cơ ngừng hoạt động, xe chết máy giữa đường. "Tình huống này sẽ vô cùng nguy hiểm nhất là khi lưu thông trên cao tốc, đoạn đường đông người, di chuyển nhanh", kỹ thuật viên Thư chia sẻ.
Hệ thống đèn điện, còi
Đối với hạng mục này cần kiểm tra tổng thể còi, đèn pha, đèn hậu, xi nhan, nếu phát hiện hư hỏng cần phải thay còi hoặc thay đèn để đảm bảo hoạt động tốt, nhất là khi di chuyển vào buổi tối.
Hệ thống ốc
Kiểm tra hệ thống ốc toàn bộ các chi tiết của xe máy, siết chặt những vị trí ốc lỏng, và đặc biệt cần lưu tâm đến những vị trí ốc ở trục bánh xe, phanh xe. Ngoài những hạng mục trên, đối với xe số, cần kiểm tra thêm độ chùng của xích xe, đối với xe ga thì kiểm tra hệ thống làm mát.
Thông thường, xe số đi khoảng 500 km – 10.000 km hoặc mỗi lần thay dầu nên kiểm tra và bôi trơn xích. Còn xe ga nếu hết nước làm mát hoặc nước làm mát quá ít sẽ gây nóng máy, không làm mát kịp thời gây chết máy.
Anh Thư cho biết thêm, thời tiết nồm ẩm, chuột bọ khá nhiều nên các xe hay gặp tình trạng bị chuột cắn dây đèn, điện, do đó cần kiểm tra môi trường sống xung quanh xem có chuột hay không để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, có thể quấn dây dẫn xăng, quấn dây chân chống xe tránh chuột cắn gây hư hỏng. "Thông thường kiểm tra mỗi xe chỉ mất khoảng 10 phút nhưng tùy theo hạng mục hư hỏng sẽ mất thêm thời gian sửa chữa", anh Thư nói.
Nên bảo dưỡng xe máy định kỳ vì sao?
Theo chuyên gia, có 4 lý do quan trọng để chủ xe nên bảo dưỡng xe máy định kỳ, gồm:
Thứ nhất, để đảm bảo xe hoạt động tốt nhất bởi sau một thời gian hoạt động, nhiều bộ phận trên xe máy dần trở nên hao mòn, không đảm bảo chức năng. Để tránh tình trạng xe “chết máy” hoặc phát sinh trục trặc khi đang đi đường, chủ xe nên bảo dưỡng xe máy định kỳ 4 tháng/lần (đối với những xe sử dụng ở mức độ bình thường).
Thứ hai, để tăng tuổi thọ sử dụng xe: Các hoạt động bảo trì như thay nhớt, bảo dưỡng chế hòa khí, rửa bầu lọc khí, chỉnh chế độ nhiên liệu, vệ sinh bugi, điều chỉnh côn, đổ thêm nước nạp ắc quy… Khi bảo dưỡng xe định kỳ, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra, vệ sinh, tra nhớt để các chi tiết hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, cũng sẽ kịp thời phát hiện và thay thế các chi tiết bị hư hỏng (nếu có) nhằm không ảnh hưởng đến các chi tiết liên quan, qua đó tăng tuổi thọ của xe, tiết kiệm chi phí sửa chữa sau này.
Thứ ba, đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các chi tiết liên quan đến an toàn khi vận hành xe như: lốp, má phanh, nhông xích, cổ phốt… cần được thay thế định kỳ để đảm bảo an toàn cho lái xe, nhất là những xe có cường độ sử dụng lớn.
Thứ tư, giúp xe có giá trị cao khi chuyển nhượng: Thông thường khi định giá xe máy cũ, nhiều người sẽ dựa vào hiện trạng của xe. Nếu chiếc xe được bảo dưỡng thường xuyên và chăm sóc cẩn thận, động cơ xe vẫn còn mạnh mẽ, vận hành êm ái, thân xe còn sáng đẹp, bền màu thì giá trị của chiếc xe được định giá cao hơn.