Những việc cần giải quyết dứt điểm tại Bệnh viện Da liễu Nghệ An

Nguồn thu không đủ bù chi, Bệnh viện Da liễu Nghệ An rơi vào cảnh 'ăn đong', nguồn thu năm nay trả cho năm trước... Đã nhiều tháng nay, viên chức, người lao động chưa được trả lương.

Nợ lương 7 tháng

Đầu tháng 7/2024, Báo Nghệ An nhận được “thư khẩn cầu về việc chậm trả lương” của “toàn thể viên chức” Bệnh viện Da liễu Nghệ An (bức thư không ký tên người viết)...

“Thư khẩn cầu” này có đoạn viết: “Trong thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024, chúng tôi đã làm việc tổng cộng 7 tháng. Tuy nhiên, bệnh viện đang chậm trả lương cho chúng tôi trong thời gian này, điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng tôi và gia đình... Theo quy chế làm việc của bệnh viện, chúng tôi ngày đi làm 8 tiếng, chấm vân tay đúng quy định nên không có thời gian làm thêm, tất cả mọi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương của bệnh viện chỉ trả hàng tháng”.

Bệnh viện Da liễu Nghệ An có địa chỉ số 130, đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh - vị trí đẹp có thể thu hút bệnh nhân. Ảnh: Thanh Sơn

Bệnh viện Da liễu Nghệ An có địa chỉ số 130, đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh - vị trí đẹp có thể thu hút bệnh nhân. Ảnh: Thanh Sơn

Phóng viên Báo Nghệ An đã tìm hiểu thông tin qua một số cán bộ, viên chức, người lao động ở Bệnh viện Da liễu Nghệ An thì được cho biết: Tính đến thời điểm này, bệnh viện còn nợ lương và các khoản phụ cấp của viên chức từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 (tổng cộng 7 tháng).

Bệnh viện Da Liễu Nghệ An được thành lập ngày 23/9/2019 trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Chống phong - Da liễu Nghệ An; là bệnh viện hạng 3, chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế Nghệ An; đơn vị tự chủ nhóm 2. Bệnh viện hiện có 2 phòng chức năng, 4 khoa lâm sàng; tổng số viên chức hiện có là 33 người. Bệnh viện có chức năng, nhiệm vụ khám, cấp cứu, chữa bệnh, phục hồi chức năng; đào tạo cán bộ; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo tuyến; phòng, chống dịch bệnh; hợp tác quốc tế; quản lý đơn vị...

Hiện nay, kinh phí hoạt động thường xuyên của bệnh viện hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu sự nghiệp tại bệnh viện, ngân sách Nhà nước chỉ cấp cho một số kinh phí phục vụ công tác phòng bệnh và sửa chữa nhà cửa.

Trong những năm qua, lượng bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú ở Bệnh viện Da liễu Nghệ An vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật cao để khám, điều trị cho người bệnh. Nguồn thu của bệnh viện thấp, chủ yếu đến từ tiền công khám, dịch vụ xét nghiệm và các kỹ thuật điều trị (mà các spa bên ngoài cũng có thể làm được)...

Thu không đủ bù chi, Bệnh viện Da liễu Nghệ An rơi vào cảnh “ăn đong”, phải dùng nguồn thu năm nay trả nợ năm trước. Cụ thể, năm 2022, bệnh viện đã xin chi trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức từ nguồn cải cách tiền lương trích lập từ năm 2019 trở về trước gần 1,4 tỷ đồng và đã trả đến tháng 11/2022. Số tiền thâm hụt còn lại hơn 110 triệu đồng chuyển sang năm 2023 để bù đắp. Phải đến ngày 14/2/2023, bệnh viện mới có đủ tiền để trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức tháng 12/2022.

Nhà thuốc Bệnh viện Da liễu bị đóng cửa từ nhiều tháng nay. Ảnh Thanh Sơn

Nhà thuốc Bệnh viện Da liễu bị đóng cửa từ nhiều tháng nay. Ảnh Thanh Sơn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của Bệnh viện Da liễu Nghệ An. Ông Huỳnh Phúc Sơn – Giám đốc Bệnh viện cho biết: Ngay khi vừa thành lập, bệnh viện đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Từ năm 2020 đến cuối năm 2021, bệnh viện gần như không có bệnh nhân, không có nguồn thu.

Tháng 9/2022, nhà thuốc của bệnh viện phải đóng cửa do hoạt động không đúng theo các quy định pháp lý như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Thông tư số 15/2011/TT-BYT. Sau đó, dược sĩ Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế (người có chứng chỉ hành nghề duy nhất về dược, đủ điều kiện để quản lý nhà thuốc) đã có đơn xin thôi việc. Vậy nên, bệnh viện đã không thể mở lại nhà thuốc.

Tiếp đến, do không có kinh phí mua sắm trang thiết bị (cụ thể là thiếu máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học...), bệnh viện chỉ thực hiện được 58 danh mục kỹ thuật (đạt 38% danh mục kỹ thuật được phê duyệt). Cũng vì chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và thiếu các trang thiết bị y tế cơ bản nên bệnh viện cũng chưa thể ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Sang năm 2023, đến ngày 31/12, bệnh viện mới có đủ tiền để chi trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức đến tháng 7/2023. Số tiền còn nợ viên chức (bao gồm lương và các khoản phụ cấp từ tháng 8 đến tháng 12/2023) chưa có để chi là trên 1,412 tỷ đồng...

Sang năm 2024, đến ngày 18/5, tổng nguồn thu của bệnh viện là 1,158 tỷ đồng. Bệnh viện đã chi thường xuyên và nộp bảo hiểm xã hội cho viên chức là 453,8 triệu đồng; đồng thời đã dùng số tiền còn lại gần 705 triệu đồng, cộng thêm tiền vay từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để chi trả lương và các khoản phụ cấp cho viên chức từ tháng 8/2023 đến tháng 10/2023, với số tiền là 714,5 triệu đồng.

Ngoài những nguyên nhân nói trên, thì cũng phải nói rằng: Trong thời gian qua, lãnh đạo của Bệnh viện Da liễu Nghệ An đã thiếu năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, tư duy chưa theo kịp yêu cầu. Ở đơn vị này chưa có sự đoàn kết nội bộ, thiếu sự tập trung dân chủ, thiếu sự nêu gương và chưa trăn trở; có những cán bộ, viên chức chưa tâm huyết với công việc của tập thể.

Cần sự thay đổi mạnh mẽ

Việc xây dựng, phát triển Bệnh viện Da liễu Nghệ An là một chủ trương đúng, phù hợp với xu thế phát triển nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc thẩm mỹ của người dân.

Để “cứu” bệnh viện này, thời gian qua, Sở Y tế đã tổ chức họp tổng thể, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp giúp bệnh viện ổn định. Sở Y tế cũng đã thành lập tổ hỗ trợ bệnh viện do 2 đồng chí Phó Giám đốc Sở làm Tổ trưởng, Tổ phó, với sự tham gia của tất cả các phòng, ban… Tổ hỗ trợ đã triển khai nhiều giải pháp giúp Bệnh viện Da liễu Nghệ An nhưng bệnh viện thiếu sự chủ động tiếp nhận, chậm thay đổi.

Bệnh viện Da liễu Nghệ An chưa thu hút được bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có nhu cầu điều trị về da. Ảnh: Thanh Sơn

Bệnh viện Da liễu Nghệ An chưa thu hút được bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có nhu cầu điều trị về da. Ảnh: Thanh Sơn

Trong tháng 5/2024, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục có những cuộc họp, làm việc với Bệnh viện Da liễu Nghệ An để lắng nghe kết quả hoạt động; tình hình thanh toán lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định cho viên chức, người lao động; việc giải quyết các vướng mắc liên quan...

Ngày 29/5/2024, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có Thông báo số 1604/TB-SYT kết luận và giao nhiệm vụ, yêu cầu Bệnh viện Da liễu Nghệ An tập trung thực hiện khắc phục tồn tại, hạn chế và các phòng ban, cá nhân liên quan thực hiện hỗ trợ cho bệnh viện.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Nghệ An xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất, tập trung dân chủ; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai phạm đã xác định... Tổ công tác hỗ trợ bệnh viện tiếp tục trao đổi, chỉ đạo các biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy bệnh viện hoạt động có hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế rà soát, đánh giá việc thực hiện các danh mục kỹ thuật tại bệnh viện; chỉ đạo, hướng dẫn Bệnh viện Da liễu Nghệ An hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để sớm tiến hành ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Phòng Kế hoạch tài chính kiểm tra hoạt động tài chính của bệnh viện theo quy định; tham mưu phương án trả lương các tháng gần nhất của năm 2024 cho nhân viên, người lao động tại bệnh viện, phối hợp phòng Tổ chức cán bộ nghiên cứu các quy định hiện hành để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền trong thực hiện tự chủ của bệnh viện từ nhóm 2 sang nhóm 3.

Phòng Tổ chức của Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện rà soát tổ chức bộ máy, nhân lực, tham mưu phương án bố trí nhân sự phù hợp phụ trách chuyên môn nhà thuốc bệnh viện.

Phòng Quản lý hành nghề phối hợp với các phòng hướng dẫn các quy định về thủ tục pháp lý, quy trình cấp phép hoạt động đối với nhà thuốc bệnh viện.

Phòng Nghiệp vụ Dược tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn bệnh viện về các quy định đấu thầu thuốc và vật tư y tế tiêu hao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.

Sở Y tế cũng đã yêu cầu bệnh viện khai thác các thế mạnh của mình, phát triển các dịch vụ mũi nhọn như điều trị các bất thường về da vừa đáp ứng nhu cầu người dân, vừa có nguồn thu hợp pháp cho đơn vị; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện triển khai các hoạt động chuyên môn, thu hút bệnh nhân, tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp, đảm bảo đủ nguồn thu hợp pháp để chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản phải đóng của viên chức, người lao động tại bệnh viện... Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nhân lực cho bệnh viện; hỗ trợ bổ sung các trang thiết bị còn thiếu.

Các giải pháp mà Sở Y tế nêu ra là rất rõ. Điều quan trọng là Bệnh viện Da liễu Nghệ An cũng phải nỗ lực “tự cứu mình” bằng việc thay đổi để vươn lên./.

Thanh Sơn

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nhung-viec-can-giai-quyet-dut-diem-tai-benh-vien-da-lieu-nghe-an-10275383.html