Những việc cần làm để tránh nhiễm virus SARS-CoV-2
eo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc gần, vệ sinh tay và bề mặt các đồ vật, sàn nhà... là những việc người dân cần làm tại thời điểm này.
Nhận định về chủng virus mới gây bệnh COVID-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.
Trước đó các nhà khoa học nhận thấy, các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ.
“Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này. Tuy nhiên, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc COVID-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả", GS. Kính chia sẻ.
Vệ sinh tay sạch sẽ là một trong những việc cần làm để phòng tránh virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa.
Theo TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, để có thể phòng tránh dịch hiệu quả, khi dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện trong cộng đồng, ngay lúc này, người dân có thể phòng tránh dịch lây lan bằng việc thực hiện những việc đơn giản như:
Thứ nhất, đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Bệnh COVID-19 lây qua đường hô hấp (thở). Khẩu trang giúp người lành hạn chế hít phải mầm bệnh và hạn chế người bệnh phát tán mầm bệnh ra xung quanh qua những hạt bắn từ hơi thở.
Thứ hai, hạn chế tiếp xúc gần (cố gắng giữ khoảng cách trên 2m) khi đi ra ngoài để tránh lây và truyền bệnh qua đường giọt bắn trong lúc tiếp xúc. Các nghiên cứu đều khuyến cáo, virus SARS-CoV-2 có thể truyền bệnh qua đường giọt bắn với khoảng cách từ 2m trở lại.
Thứ ba, vệ sinh tay (dung dịch sát trùng nhanh, xà phòng, cồn...), vệ sinh thân thể thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các đồ vật. Vì virus qua giọt bắn có thể tồn tại trên các bề mặt đồ vật một thời gian dài, khi ta chạm tay vào các đồ vật đó sẽ vô tình làm lây lan, phát tán mầm bệnh.
Thứ tư, vệ sinh bề mặt các đồ vật, sàn nhà... bằng các dung dịch sát trùng thông thường để tiêu diệt virus bám trên bề mặt. Virus sẽ bị bất hoạt bằng dung dịch sát trùng hoặc cồn.
Khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp (sốt, ho, sổ mũi, đau rát họng, đau mỏi người) hoặc từ vùng dịch trở về (trong vòng 2-3 tuần gần đây), người dân cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với mọi người và liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, giúp đỡ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện người từ vùng dịch, người từ nước ngoài trở về trong vòng 2-3 tuần trở lại đây, người dân cần báo cho chính quyền hoặc cơ sở y tế để tìm hiểu, xác minh yếu tố dịch tễ.