Những việc nên làm để tránh nổ lốp xe ô tô
Chăm sóc lốp định kỳ, tập trung lái xe để tránh vật cản là những điều nên làm nếu tài xế không muốn bị nổ lốp giữa đường.
Nổ lốp là tình trạng không hiếm gặp, nhất là trên đường cao tốc. Có một số nguyên nhân dẫn tới việc này và cách khắc phục, theo khuyến cáo của các chuyên gia lái xe, tài xế nhiều kinh nghiệm.
Nổ lốp do ma sát cao
Những đoạn đường cao tốc làm mới thường có độ nhám tốt, giúp xe bám đường. Tuy vậy, đây cũng là thách thức cho những xe cũ, lâu ngày không thay lốp. Bởi lẽ, xe càng bám đường, ma sát càng tăng, nhiệt độ trên bề mặt lốp cũng tăng nhanh theo. Mặt lốp do tiếp xúc nhiều nên sẽ bị mài mòn, trong khi nhiệt độ cao khiến không khí bên trong giãn nở. Kết hợp hai yếu tố này khiến lốp nổ khi xe đang chạy.
Để khắc phục, cách duy nhất là tài xế phải chăm sóc lốp thường xuyên, theo quy định của nhà sản xuất. Với khách hàng mua xe mới và làm dịch vụ tại các đại lý chính hãng, thường được nhân viên chăm sóc khách hàng nhắc nhở lịch làm bảo dưỡng.
Với khách sử dụng xe cũ, không làm dịch vụ tại các đại lý chính hãng, có thể chủ động kiểm tra lốp mỗi lần bảo dưỡng, thay lốp sau mỗi 50.000 km, đảo lốp sau khoảng 10.000 km hoặc tùy tình hình thực tế thực trạng lốp. Nếu đã qua 5 năm, dù chưa đạt 50.000 km vẫn nên thay lốp vì cao su đến lúc lão hóa. Nên đọc sách hướng dẫn đi kèm xe, vì mỗi loại xe, mỗi loại lốp sẽ có khuyến nghị khác nhau.
Áp suất lốp là yếu tố tài xế có thể kiểm soát được ngay mà không cần phải là người có kinh nghiệm hay quá nhiều kiến thức về xe cộ. Mức áp suất được quy định trên bảng hướng dẫn, thường dán ở hông cánh cửa, bậc lên xuống và trong sách hướng dẫn. Không bơm quá căng hoặc quá non.
Nếu bơm căng, nhiệt độ tăng làm áp suất lốp tăng nhanh, dễ nổ. Nếu quá non, khi xe lăn bánh trên cao tốc, khối không khí dễ bị ép dẫn đến biến dạng liên tục, vì vậy nhiệt độ cũng tăng nhanh hơn. Ngoài ra, bơm non còn khiến xe bị ỳ, lốp bị mài mòn nhanh hơn.
Bề mặt lốp cũng là thứ có thể kiểm soát. Nếu thấy các hoa lốp bị mòn, các rãnh không còn độ sâu cần thiết, cả mặt lốp gần như trở thành mặt phẳng là lúc lốp xe đã quá xuống cấp, rất mất an toàn khi chạy nhanh.
Nổ lốp do đâm phải vật cứng, sắc, nhọn
Một trường hợp dễ gặp là lốp xe lăn qua vật cứng, sắc, nhọn, dù lốp mới vẫn có thể bị nổ. Ví dụ, xe sụp ổ gà hay đâm vào gờ nhọn của vỉa hè, đâm vào đá trên đường trường, cao tốc. Để khắc phục, chỉ còn cách tài xế chủ động quan sát xa để quét mặt đường. Không phi nhanh qua đoạn đường mấp mô, nhiều đá nhọn, đang xây dựng.
Quan trọng là đi đúng tốc độ cho phép, khi đó bạn có thể chủ động tránh các chướng ngại vật.
Đối phó khi nổ lốp
Việc tiên quyết mà các chuyên gia, tài xế dày dạn kinh nghiệm nhắc đi nhắc lại là không được phanh khi xe bất ngờ mất lái khi nổ lốp. Phanh lúc này sẽ dẫn tới xe mất cân bằng, xoay ngang, lật. Hãy thả chân ga, giữ chặt vô-lăng để xe đi đúng hướng, không đâm đụng xe xung quanh. Khi thấy tốc độ đã giảm xuống mức an toàn, mới từ từ tấp xe vào lề, phanh dừng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-viec-nen-lam-de-tranh-no-lop-xe-o-to.html