Những việc người bệnh ung thư nên làm để chống lây nhiễm COVID-19
Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không mắc ung thư.
Theo TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K cho biết theo nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học The Lancet Oncology: người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư.
Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.
Trong số 268 trường hợp mắc COVID-19 tại nước ta cũng đã có 2 trường hợp bị ung thư. Đây đều là người nước ngoài, một người Trung Quốc và một người Thụy Điển, cả hai đều đã được chữa khỏi COVID-19.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân ung thư trong dịch COVID-19
Các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo tại thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, người bệnh ung thư ngoài việc tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng cần:
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người.
- Chủ động đeo khẩu trang khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đi.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại…
Cùng với đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.