Những vụ bánh kẹo giả bị phát giác gây chấn động dư luận trong dịp gần Tết
Bánh kẹo giả luôn là vấn đề khiến người tiêu dùng cảm thấy hoang mang và lo lắng trong những ngày giáp Tết. Bàng hoàng hơn, khi ngày càng nhiều vụ hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát giác gây chấn động dư luận.
Những ngày cận Tết, thị trường bánh kẹo lại “sôi động” với rất nhiều mặt hàng được quảng cáo và rao bán rộng rãi ở khắp nơi, nhằm thu hút sự chú ý, thích thú của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng thương hiệu, đảm bảo đúng chất lượng của sản phẩm, thì còn đó là rất nhiều mặt hàng bánh kẹo bị pha tạp hóa chất và làm nhái được tung ra thị trường với số lượng lớn, khiến người tiêu dùng không khỏi “lao đao” khi đi sắm Tết.
Làm giả nước uống tăng lực Number One
Ngày 17-12-2019, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Bộ (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất nước tăng lực tại khu phố 3A, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, đang có hành vi làm giả thương hiệu nước tăng lực Number One.
Được biết, cơ sở này có khoảng 10 nhân viên và do Trần Minh Hải (trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) làm chủ. Theo khai nhận, cơ sở đã in nhãn dán mang thương hiệu nước tăng lực Number One, sau đó tiến hành dán nhãn vào các chai nhựa có chứa nước dung dịch màu vàng bên trong, rồi phân phối ra thị trường.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có khoảng 1.600 thùng nước phẩm màu chưa dán nhãn mác; 350 thùng nước ngọt đã dán mác thương hiệu Number One, cùng nhiều vật dụng hỗ trợ việc làm giả. Bên cạnh đó, nhãn mác của một số thương hiệu bột giặt nổi tiếng cũng được cơ sở này làm nhái.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong và di chuyển toàn bộ tang vật về cơ quan để phục vụ cho công tác điều tra.
Bánh kẹo không rõ nguồn gốc “xâm lấn” thị trường Việt
Cũng trong năm 2019, vào ngày 18-12, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng P7 C05 và Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra và bắt giữ ba xe tải chở bánh kẹo không rõ nguồn gốc tại Trạm Cao tốc Bình Xuyên – Vĩnh Phúc và Trạm Cao tốc Lào Cai - Hà Nội, khi đang lưu thông theo hướng về Thủ đô.
Tổng khối lượng bánh kẹo được vận chuyển trên ba xe lên tới 30 tấn. Đoàn kiểm tra đã di chuyển toàn bộ hàng hóa và phương tiện về Hà Nội, đồng thời đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Bánh quy, kẹo mút chứa cần sa tại Hà Nội
Không chỉ làm giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, nghiêm trọng hơn các cơ sở sản xuất bánh kẹo còn pha chế thêm một số chất độc hại gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng như cần sa, ma túy đá, cỏ…
Đặc biệt trong những ngày giáp Tết, nhu cầu mua bánh kẹo của người dân tăng cao, các loại mặt hàng có kiểu dáng và bao bì hấp dẫn nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Và mới đây, trên các trang mạng xã hội như facebook, instagram… xuất hiện quảng cáo bán bánh quy, chocolate, kẹo mút, được người bán giới thiệu là hàng xách tay từ nước ngoài về. Tuy nhiên, các mặt hàng này đều có chứa cần sa bên trong.
Theo Viện Nghiên cứu người sử dụng ma túy, loại bánh có chứa cần sa này có tên là “bánh lười”, có vị chocolate và nho khô rất dễ ăn, vì tẩm cần sa nên ngay sau khi ăn, ngưởi sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ và cười.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, chất ma túy được phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Y tế phối hợp giám định và điều tra. Khi có kết quả cụ thể, Cục sẽ thông báo.
Qua đó có thể nói, trong những ngày giáp Tết, người dân cần đặc biệt lưu ý khi đia mua các mặt hàng bánh kẹo, vì nguy cơ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc là rất cao. Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người dân nên tìm đến những cửa hàng có tên tuổi, có uy tín để mua bán hàng hóa, tránh mua các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.