Những vũ khí đặc biệt của biệt động Sài Gòn
Không chỉ có súng, mà dao khắc, compa, nước viết giấu mực, nước 'mở' mực cũng là những vũ khí lợi hại của biệt động Sài Gòn - Gia Định một thời. Hơn nửa thế kỷ trước, họ không bao giờ nghĩ rằng đến một ngày, những 'vũ khí' đặc biệt ấy được nhắc nhớ, giới thiệu tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (TP Hồ Chí Minh) và được đông đảo người dân biết đến.
Họ cũng không nghĩ rằng mình còn sống đến hôm nay, trở thành những nhân chứng lịch sử của Sài Gòn một thời hoa lửa.
"Phù thủy” làm căn cước
Chiến sĩ biệt động Lâm Quốc Dũng (biệt danh Dũng "râu") nay đã 74 tuổi, giọng nói vẫn rổn rảng, âm vang khi nhắc tới nhiệm vụ đặc biệt hơn nửa thế kỉ trước. Năm 14 tuổi, từ Củ Chi, cậu bé Lâm Quốc Dũng xa gia đình đi hoạt động cách mạng. Vào chiến khu, thay vì được giao các nhiệm vụ nóng bỏng của chiến trường lúc đó, Dũng được Ban An ninh T4 cho học nghề… điêu khắc gỗ. Dường như tổ chức đã nhìn thấy ở Dũng sự nhanh nhạy, năng khiếu về hội họa, điêu khắc, có thể phục vụ những công tác đặc biệt. Chỉ một thời gian sau, Dũng đã trưởng thành nhanh chóng, có thể bắt tay vào nhiệm vụ.
Đầu năm 1966, Cơ quan Quân báo của Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhận Dũng về và giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là làm giả các loại giấy tờ của địch, giúp tạo thế hợp pháp cho cán bộ, chiến sĩ biệt động hoạt động ở nội đô. Người lính trẻ háo hức nhận nhiệm vụ, dày công nghiên cứu "sản xuất" các loại giấy tờ giả.
Để "phù phép" những giấy tờ đó y như thật, qua mắt được kẻ địch, Dũng đã sử dụng bộ đồ nghề có một không hai. Sự tinh tường, khéo léo cùng đôi tay "phù thủy" đã dùng dao, bút viết, compa,… biến thành đủ loại giấy tờ, từ thẻ căn cước dân sự và quân nhân, giấy hoãn quân dịch, giấy chứng nhận giải ngũ, giấy chứng nhận hoàn lương đến giấy nghỉ phép... Thông qua các giấy tờ giả mà Dũng thực hiện, lãnh đạo khu ủy và quân khu đi địa bàn, cơ sở; các lực lượng giao liên, trinh sát, biệt động dễ dàng qua mắt các trạm kiểm soát dày đặc của địch, hoạt động hiệu quả trong nhiều năm tháng kháng chiến…
"Mỗi lần làm giả giấy tờ, thực sự là một cuộc đấu trí cân não. Phải nghiên cứu kĩ, hết sức tập trung, kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, tinh tường của đôi mắt và khả năng nhạy bén của bộ não, bởi mỗi loại giấy lại có một đặc điểm, cách thể hiện, kiểu chữ, màu mực khác nhau. Dù làm rất nhiều giấy tờ cho đồng đội, nhưng không bao giờ tôi dám lơ là, cẩu thả mà luôn thận trọng, tỉ mỉ. Giấy tờ không được phép sai sót dù chỉ là cách kí tên, màu mực đậm nhạt. Bởi hơn ai hết, tôi ý thức được rằng tính mạng của đồng đội mình hoàn toàn phụ thuộc vào những giấy tờ kia", ông Dũng chia sẻ.
Công việc luôn căng thẳng, nhiều nguy hiểm nhưng ông Dũng đã miệt mài đảm trách suốt 9 năm, từ năm 1966 đến ngày giải phóng miền Nam. Ông Dũng nhớ lại: "Thời gian đầu, cùng làm với tôi có một đồng chí nữa nhưng đồng chí đó đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Một đồng chí khác cũng làm chung nhưng sau này bị bắt. Vậy là chỉ còn mình tôi đảm trách công việc. Số lượng giấy tờ cần làm cho các đồng chí hoạt động ngày càng nhiều nên trong 9 năm đó, ngày nào tôi cũng làm giấy tờ giả. Có những lúc công việc đòi hỏi gấp gáp, tôi phải làm cả đêm".
Mỗi khi địch lưu hành một loại giấy tờ mới là ông Dũng phải cập nhật, nghiên cứu, tìm tòi để lập tức cho "ra lò" những mẻ giấy tờ tùy thân giả phục vụ hoạt động của đồng đội. Trong các loại giấy tờ, thử thách lớn nhất là làm giả "căn cước rồng xanh" - loại giấy căn cước mới do chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành.
Sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều đồng chí ta bị bắt hoặc hy sinh nên một số thẻ căn cước và giấy tờ rơi vào tay địch. Qua soi chiếu, chúng biết đây là giấy tờ giả. Thời điểm này chính quyền Sài Gòn điên đầu khi biết có nhiều loại giấy tờ giả lưu hành tại nhưng không thể phân biệt được hoặc không thể bắt bớ trên diện rộng. Bởi thế, khi lưu hành giấy căn cước rồng xanh có hình con rồng màu xanh nằm cuộn mình trong một vòng tròn cùng những họa tiết vô cùng tinh xảo, chính quyền Sài Gòn tự tin rằng đây là loại giấy tờ không thể làm giả được. Bởi toàn bộ vật tư, công nghệ, thiết kế, in ấn được làm tại Mỹ, chỉ có công đoạn in tên và lăn tay làm ở Sài Gòn.
Trái với những suy tính đó, căn cước rồng xanh vẫn được ông Dũng "chế" ra y như thật và "tung hoành" trong nội thành. Với những chiến công thầm lặng ấy, người chiến sĩ biệt động Lâm Quốc Dũng đã được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Công cụ để làm nghề của ông Dũng thời biệt động thì nhiều vô kể. Riêng bộ đồ nghề khắc mộc dấu nhỏ gọn, gắn bó với ông từ khi học nghề ở Ban An ninh T4 thì sau giải phóng miền Nam, ông giữ lại làm kỉ niệm. Tháng 8 vừa qua, khi Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thành lập, ông Dũng đã trao tặng lại bộ "vũ khí" bất ly thân của mình để lưu giữ cho mai sau.
Những bức thư "tàng hình"
Trong số hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, có "bộ đôi" hiện vật rất nhỏ bé. Đó là hai lọ thủy tinh nhỏ đựng hai loại nước đặc biệt: nước để viết chữ mà không để lại dấu vết, hay gọi là "nước giấu mực" và nước khiến những dòng chữ "tàng hình" kia phải "hiện hình", thường gọi là "nước mở mực". Đó là hai công cụ đắc lực giúp cho nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Phương tạo ra những bản thảo mật dùng trong việc trao đổi thông tin, thư từ quan trọng nhằm phục vụ công tác và chiến đấu nội thành của các chiến sĩ biệt động năm xưa.
Chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Phương sinh năm 1952, quê gốc Nam Định, nhưng sinh ra và lớn lên ở Campuchia. Cuối những năm 1960, Việt kiều ở Campuchia tham gia cách mạng miền Nam rất sôi nổi. Năm 1967, cô bé Phương khi đó mới 15 tuổi đã lên đường nhập ngũ, vào đơn vị biệt động. Lúc đầu, Phương làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn ở khu vực biên giới Giồng Két, tỉnh Long An. Sau được điều động về văn phòng của Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn, được đào tạo đánh máy chữ.
Cho đến nay, bà Phương vẫn giữ được chiếc máy đánh chữ hiệu Olympia Splendid 33, sản xuất tại Đức, thập niên 1960 mà bà sử dụng trong vai trò là thư ký riêng của Thiếu tướng Trần Hải Phụng - Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Bà có nhiệm vụ đánh văn bản truyền đạt cho các đơn vị trong cứ. Nhưng đối với các văn bản "vô nội thành" thì phải viết chữ tàng hình.
Với một bộ giấy tờ giả, bà Phương được đi ra ngoài hợp pháp. Người làm giấy tờ giả cho bà ngày đó chính là ông Lâm Quốc Dũng. Nhờ những giấy tờ đó, bà có thể tự do đi xe đò đến các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho, Bến Tre một cách thuận lợi. Trong quá trình hoạt động, bà Phương được giao nhiệm vụ viết mật thư. Trước đó, mật thư được viết bằng nước cơm, dễ bị lộ nên bà được phổ biến cách mới. Bà kể: "Tôi được Thiếu tướng Trần Hải Phụng tin tưởng, phổ biến thứ nước để viết chữ không hiện hình và cả thứ nước để "mở chữ". Tôi cũng là người đi ra ngoài hợp pháp để đi mua nguyên liệu về chế tạo nên những thứ nước ấy".
Là người thông minh, nhanh nhẹn, bà Phương nắm bắt rất nhanh. Sau khi nhận nội dung thư từ cấp trên, đêm đêm, bà Phương lặng lẽ xuống hầm, cặm cụi viết một mình dưới ánh đèn dầu leo lét. Tất cả thông tin cần viết vào thư bà nắm được từ cấp trên phải tuyệt đối giữ bí mật. Vì viết lên giấy chữ không "hiện hình" nên khi viết phải tập trung cao độ để các con chữ không chồng lên nhau. Bởi mỗi bức thư là cả tính mạng của giao liên, số phận của cả tổ chức, ảnh hưởng đến tình hình cách mạng.
Thư thời đó phải ngụy trang thành đồ dùng hàng ngày. Vì thế, bà Phương phải quan sát thực tế, vận dụng linh hoạt để chọn giấy viết. Bà thường chọn giấy dầu là giấy thông dụng để gói đồ thời đó. Sau khi viết xong, bí mật chuyển cho giao liên. Thư sẽ được ngụy trang bằng cách bọc, gói đồ ăn thức uống đi đường như ổ bánh mỳ, thang thuốc bắc, gạo, đường… Vì việc viết chữ mà "như không", nên rất nhiều thông tin, thư từ được vận chuyển trót lọt, qua mặt được những ánh mắt dò xét tại nhiều trạm kiểm tra của địch.
Dù tình hình luôn căng thẳng, nhưng Phương đã miệt mài phụ trách công việc viết mật thư hết sức thầm lặng và xuyên suốt để thông tin không bao giờ bị đứt quãng. Các nghị quyết, chỉ thị, mật lệnh đều đi và đến nơi.
"Bí mật là nguyên tắc sống còn của biệt động Sài Gòn, do đặc thù phải sống, chiến đấu ngay trong sào huyệt của kẻ thù. Do đó tất cả những điều được cấp trên phổ biến khi đó, tôi luôn giữ kín đến tận ngày giải phóng. Cả đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên tắc chỉ "một mình mình biết, một mình mình hay", nữ chiến sĩ biệt động chia sẻ.