Những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể 'cấp cứu cả loạt' ở phía Nam
Mặc dù tình hình an toàn thực phẩm đã được cải thiện nhưng trong năm 2019, TPHCM và một số tỉnh phía Nam ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thế vẫn diễn ra.
1. Vụ việc gây nhiều quan tâm dư luận nhất có thể kể đến là vụ ngộ độc tập thể sau bữa tiệc cưới tại nhà hàng Adora (431 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình). Cụ thể, ngày 30/6, cả trăm người sau bữa tiệc cho biết có dấu hiệu sốt, đau bụng và tiêu chảy nên phải nhập viện cấp cứu.
Với sự vào cuộc của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, lãnh đạo Ban khẳng định không có việc bị ngộ độc tập thể cả trăm người như một số thông tin trước đó. Đây chỉ có một số trường hợp đơn lẻ. “Để có thể kết luận một vụ việc ngộ độc thực phẩm chúng tôi phải truy được khâu nào gây ngộ độc...” – đại diện Ban An toàn thực phẩm TPHCM cho hay.
Đơn vị này cũng tiến hành kiểm tra 9 cơ sở của hệ thống nhà hàng tiệc cưới Adora trên địa bàn thành phố. Trong 9 cơ sở có 2 cơ sở đang tạm dừng hoạt động vì sửa chữa. Theo đó, các cơ sở của Adora tại TPHCM có giấy phép, cơ sở, con người đáp ứng được vấn đề. Ví dụ như quy trình bếp một chiều, như cơ sở hạ tầng bếp hiện đại, lưu mẫu bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra phái hiện hai cơ sở Adora ở Ngô Gia Tự (quận 5), Adora Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) phát hiện cống rãnh thoát nước bị ứ động, mỗi nơi bị phạt 8 triệu đồng.
2. Cuối tháng 10/2019, hơn 50 công nhân của Công ty TNHH Theodore Alexander (KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức) có dấu hiệu nôn ói, đau đầu, chóng mặt, đau bụng… nghi bị ngộ độc đã nhập viện bệnh viện Q.Thủ Đức TPHCM điều trị.
Theo lời kể của các công nhân, chiều ngày 24/10, các công nhân tăng ca và ăn chiều tối gồm món chay và các món mặn. Bữa ăn do bếp ăn tập thể của công ty cung cấp (công ty hợp tác với một đơn vị khác nấu). Sau khi hết ca lúc 20h, từ khuya đến sáng hôm sau, các công nhân xuất hiện các triệu chứng như ngộ độc thực phẩm.
3. Ngày 6/4, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (Q.12) cho biết đang tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 61 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.12) nghi do ngộ độc thức ăn.
Trước đó, các học sinh trường ăn trưa món cà ri bò với bánh mì. Sau khi ngủ trưa dậy, một số học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Tổng cộng có 61 em học sinh nhập viện.
4. Trong ngày 19/2, tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai đều xảy ra tình trạng có người bị ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, tại TPHCM, 24 bệnh nhân là công nhân của một công ty sản xuất trên địa bàn Q.Tân Phú nhập viện Bệnh viện Q.Tân Phú trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu.
Công nhân cho biết, do là ngày rằm nên họ đặt cơm chay với các món rau mầm, nấm bào ngư làm gỏi, đậu bắp kho với hủ dừa, tàu hủ chay. Sau khi ăn khoảng 15 phút, các công nhân cảm thấy khó chịu, buồn nôn…
Còn tại Đồng Nai, 21 em học sinh Trường tiểu học Long Bình Tân (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cũng nhập viện cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, người mệt, lừ đừ.
Trước đó, trong tháng 1 cũng xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể ở Long An và TPHCM. Đó là 86 học sinh Trường tiểu học Thạnh Đức (H.Bến Lức, Long An) được đưa đến Bệnh viện đa khoa Long An để kiểm tra và theo dõi điều trị vì bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng...
5. Ngày 14/1, Bệnh viện Mỹ Đức (Núi Thành, Q.Tân Bình) tiếp nhận 10 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có 2 em nhỏ (8 tuổi) trong tình trạng đau đầu, mệt, sốt từ 38,5 - 39,5 độ C. Các bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là: theo dõi ngộ độc thức ăn, chưa ghi nhận tình trạng nặng. Theo lời kể của các bệnh nhân, trưa 13/1 họ có đi ăn tiệc tại nhà hàng trong một khu du lịch nổi tiếng ở Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), đến trưa hôm sau thì xuất hiện các triệu chứng trên nên nhập viện.
6. Ngày 8/1, 15 học sinh lớp 5 Trường tiểu học Bành Văn Trân (cơ sở 3, số 17 Phú Hòa, P.7, Q.Tân Bình) có biểu hiện đau bụng, ói, nhức đầu... Nhà trường đã chuyển các học sinh đi cấp cứu tại Bệnh viện Q.Tân Bình. Theo lời kể của bệnh nhân, nhân dịp sinh nhật một cô, cô đã mua trà sữa hiệu trên đường Bành Văn Trân cho cả lớp 35 em uống.