Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ (*): Điều kỳ diệu sau 'đại hồng thủy'

Gượng dậy sau cơn đại hồng thủy cách đây 10 tháng, người dân khắp các làng quê Quảng Bình gác lại chuyện thương đau, vực nhau dậy, cần mẫn tìm kế hồi sinh cho vùng đất khó nhọc này

Những ngày này, rảo quanh xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, chúng tôi bắt gặp những cánh đồng ngập nước lũ trước đó nay đã được phủ xanh bằng đồng lúa. Trên các đường quê, bà con nông dân rộn ràng xuống đồng chăm bón vụ hè - thu, bức tranh làng quê tốt tươi, hồi sinh mạnh mẽ.

Lúa đồng trĩu hạt

Chỉ 10 tháng trước, cả vùng "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước bởi trận lũ lịch sử chưa từng có trong 50 năm trở lại đây. Lũ đi qua, khắp nơi tang thương, khung cảnh xác xơ, điêu tàn, cuộc sống người dân trắng tay.

Trong trận "đại hồng thủy" vừa qua, xã Tân Ninh được gọi là chảo lũ ở Quảng Bình khi toàn bộ nhà dân, trụ sở, trường học đều bị ngập trong nước. Lũ rút, bà con trở về nhà với nước mắt lưng tròng khi tất cả gia sản một đời dành dụm đã bị lũ cuốn ra biển.

Bà con nông dân xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch phấn khởi trong mùa thu hoạch hoa tươi

Bà con nông dân xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch phấn khởi trong mùa thu hoạch hoa tươi

Bà Lê Thị Tỏa ở thôn Nguyệt Áng cho biết nước lũ rút, bà con tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, nương vườn xong là ra đồng ngay. Lũ đi để lại một lượng lớn phù sa ngoài đồng nên vụ đông - xuân vừa rồi, bà con nơi đây bội thu, được mùa hơn rất nhiều so với các năm trước.

"Lũ lụt đi qua, chuột, sâu đục thân, các loại côn trùng gây hại cho lúa và hoa màu chết sạch. Mọi năm không lũ, chuột sinh sôi diệt không xuể. Bao nhiêu lần thôn xã phát động phong trào diệt chuột mà làm không hết; nay chuột bị lũ nhấn chìm, lúa không bị chuột cắn phá nên bà con càng yên tâm" - bà Tỏa phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, nhớ lại trận lũ vừa qua, xã nhà được ví như "lòng chảo" của huyện Quảng Ninh, vì bốn bề mênh mông nước. Lũ từ tứ phía tràn vào, khiến 6.000 hộ dân trong 5 thôn đều trở tay không kịp, thiệt hại của bà con quá sức tưởng tượng.

Dù vậy, sau trận "đại hồng thủy", người dân đã nhận được sự giúp đỡ nghĩa tình của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương. Từ đó đến nay, nhờ lòng kiên cường và ý chí không bị khuất phục trước khó khăn, người dân nơi đây đã cải thiện được cuộc sống của mình hơn lên từng ngày.

Người dân xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy bên bờ phá Hạc Hải cũng được mùa vụ hoa đông - xuân chuẩn bị bán Tết, trúng giá đậm, sau lũ dữ đi qua. Hè này, bà con chuyển sang trồng rau sạch, được mùa hơn so với các năm trước.

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, cho biết cả xã có hơn 200 ha chuyên canh rau và hoa. Vụ hoa đông - xuân sau lũ gầy giống chỉ 2,5-3 tháng, bà con chủ yếu ươm hoa cúc, lay ơn, thược dược và bán rất được giá vì nhu cầu các loại hoa này khá cao. Nhiều hộ trong 3 tháng đã thu hoạch 50 triệu đồng, gỡ gạc những gì lũ lụt đã cuốn trôi.

"Với sự giúp đỡ của bà con cả nước, chính quyền các cấp, người nông dân vùng lũ đã tận dụng mọi nguồn lực để ổn định công việc làm ăn. Vất vả là thật vì mưa lũ quá lớn nhưng vụ hoa, vụ rau vừa qua đã đưa lại niềm tin bám đất, bám làng cho người dân; có vốn sản xuất ngắn ngày, thu được tiền triệu là ấm cúng rồi" - ông Huấn bày tỏ.

Xanh mướt ruộng đồng, rau trái

Thị xã Ba Đồn và nhiều xã của huyện Quảng Trạch nằm ven sông Gianh, hầu như năm nào cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi những cơn lũ. Đặc biệt trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, mọi tài sản của người dân đều bị lũ cuốn trôi. Thế nhưng, cũng từ nơi "rốn lũ" ấy, bằng ý chí kiên cường, người dân đã vực nhau dậy, cần mẫn kiếm kế sinh nhai, ổn định đời sống, sản xuất.

Đồng lúa xanh tốt ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch

Đồng lúa xanh tốt ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch

Xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch chỉ vài tháng trước trắng trời nước bạc, nay màu xanh đã bắt đầu trở lại.

Trên mảnh vườn rộng trồng đủ các loại rau màu, ông Nguyễn Văn Hào ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn cho hay khi nước lũ rút hết, người dân đã vác cuốc ra vườn tranh thủ làm đất, lên luống để chuẩn bị trồng vụ rau màu. Tầm chục hôm sau là đã thấy màu xanh của các loại rau phủ lên ruộng vườn.

Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, cho biết sau lũ, nhờ sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm, bà con đang nỗ lực để trở lại cuộc sống bình thường. Vụ đông - xuân vừa qua, toàn thị xã gieo trồng 2.700 ha lúa các loại, sinh trưởng tốt với năng suất đạt 60,1 tạ/ha. Những địa phương có năng suất cao nhờ phù sa sau khi lũ rút, bên cạnh đó, các loại rau, hoa, quả của bà con nông dân đang tươi tốt, phát triển, hứa hẹn một năm bội thu.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8

Kỳ tới: Tà Rùng "rũ bùn" đứng lên!

Có nhà phao, không sợ lũ

Những năm qua, cùng với các biện pháp ứng phó hiệu quả trước thiên tai, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân làm nhà an toàn chống chịu thiên tai. Trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, nhờ những căn nhà tránh lũ, nhà phao được Chính phủ hỗ trợ xây dựng mà hàng ngàn người dân đã được cứu sống.

Trong trận lũ lịch sử vừa rồi, xã Tân Hóa có trên 550 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1,5-2,5 m. Vậy nhưng ở vùng "rốn lũ" này cuộc sống thường nhật vẫn cứ diễn ra an toàn. Người dân bảo rằng họ vững vàng "sống chung với lũ" là nhờ nhà phao tránh lũ và áp dụng phương châm "4 tại chỗ" một cách nhuần nhuyễn.

Mỗi căn nhà phao rộng chừng 15-20 m2 chỉ mất khoảng 35 triệu đồng, thường được dựng ngay bên cạnh nhà chính. Khi mưa xuống, nước dâng, người dân chỉ việc chuyển toàn bộ đồ đạc, lương thực dự trữ và chuyển sang sống ở nhà phao chờ nước rút. Đơn giản thế thôi nhưng đối với người dân vùng "rốn lũ" Tân Hóa, đó là phát minh lịch sử.

Bà Cao Thị Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa - cho biết từ trận lũ lịch sử tháng 10-2020 đến nay, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã hỗ trợ xây dựng 142 ngôi nhà phao tránh lũ tặng người dân vùng lũ xã Minh Hóa.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-vung-dat-hoi-sinh-sau-bao-lu-dieu-ky-dieu-sau-dai-hong-thuy-20210803221313937.htm