Những vùng quê ai cũng muốn trở về: Biến mô hình sản xuất thành những tiểu sinh thái bền vững

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng, chi phối các tiêu chí khác, quyết định sự thành công trong XDNTM. Tuy nhiên, xu thế của thực tiễn đặt ra phải vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học, sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn thân thiện với môi trường. Trong lộ trình XDNTM gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang quan tâm thực hiện điều đó.

Mô hình sản xuất với môi trường xanh - sạch - đẹp của anh Hà Thịnh Hưng ở xã Nga An (Nga Sơn). Ảnh: Lê Đồng

Mô hình sản xuất với môi trường xanh - sạch - đẹp của anh Hà Thịnh Hưng ở xã Nga An (Nga Sơn). Ảnh: Lê Đồng

Ở huyện NTM nâng cao Thọ Xuân, hàng trăm vườn nhà được cải tạo thành các mô hình kinh tế xanh hiệu quả. Tại thôn Quần Lai 2, xã Thọ Diên, vợ chồng chị Mai Thị Hằng đã xây dựng khu đất quanh nhà thành khu vườn sinh thái tuyệt đẹp. Đây thực sự là mô hình sản xuất hiện đại với những khu canh tác hoa lan được bố trí giàn sắt nhiều tầng cao thấp. Với 2.500m2, gia đình chị đang ương trồng gối lứa khoảng 150 loài lan từ bình dân đến đột biến quý hiếm. Hơn 1.000m2 còn lại là những luống mẫu đơn, mộc hương, hoa ly, hoa cúc... Tất cả, đang tạo nên một tiểu sinh thái vùng quê xanh mát sạch đẹp. Với mức doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm, nhưng mô hình hầu như chưa thải gì ra môi trường. Theo lý giải của chủ vườn, lan sống trên các giá thể là than và củi mục, hàng ngày được tưới phun mưa bằng nước sạch để tạo độ ẩm, những chất dinh dưỡng cho cây cũng không đủ lớn để phải dư thừa.

Tại nhiều xã khác của huyện Thọ Xuân, có thể kể đến cả trăm mô hình vườn sản xuất theo hướng sinh thái, tô điểm thêm vẻ đẹp cho các làng quê. Trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài các trang trại hay mô hình sản xuất quy mô lớn, thì phong trào XDNTM cũng biến hàng nghìn vườn nhà thành những mô hình sản xuất xanh, hiệu quả.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, Thanh Hóa hiện có hơn 5.000 vườn hộ được xây dựng theo tiêu chí NTM, trong đó 1.024 vườn mẫu được hình thành do các địa phương vận động trong quá trình XDNTM. Gắn với phong trào chung, hội LHPN các cấp cũng đã chung tay xây dựng, công nhận và cắm biển “Nhà sạch – vườn đẹp” cho hơn 3.000 vườn vừa sản xuất hiệu quả, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, bài trí sản xuất vừa hài hòa với cổng ngõ, ngôi nhà ở của gia chủ.

Năm 2024, xã Nga An (Nga Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sau nhiều năm nỗ lực thực hiện bộ tiêu chí. Ngoài phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xã khuyến khích gây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiện đại, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Trên cánh đồng Gối Sâu thuộc thôn 12 của xã, một khu sản xuất quanh năm xanh mướt được gây dựng và dần chuyển hướng hiện đại sau nhiều năm.

Cùng với tự tích tụ, dồn đổi và mua thêm quyền sử dụng đất của những hộ không canh tác, anh Hưng đã có 1,5ha đất để xây dựng trang trại tổng hợp. Những năm đầu, chủ trang trại cũng phát triển chăn nuôi, sản xuất như bao trang trại ở những nơi khác, chủ yếu hướng đến lợi nhuận. Nhưng với một xã chọn yếu tố cảnh quan môi trường làm tiêu chí nổi trội trong XDNTM nâng cao và kiểu mẫu, Nga An đã vận động các hộ dân chuyển dần sang phát triển sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Từ năm 2020 đến nay, anh liên tục phát triển các dãy nhà màng, nhà lưới trồng dưa vàng, dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Hàng nghìn m2 diện tích khác được hình thành vùng trồng nho sữa, nho hạ đen, tạo thành vùng canh tác xanh, hiện đại. Ngay cả hoạt động chăn nuôi cũng bảo đảm vệ sinh bởi được liên kết theo mô hình CP, nguồn chất thải được tự động đẩy qua hệ thống biogas để xử lý thành năng lượng, phần bã được ủ thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Những rau màu, ngọn dưa tỉa ra được tận dụng làm thức ăn cho cá, tất cả các nguồn thải từ cây trồng nông nghiệp được phối trộn ủ thành phân, hệ thống sản xuất tuần hoàn khép kín, hầu như không có chất thải ra ngoài.

Những ao cá tạo cảnh quan với những rặng dừa soi bóng nên thơ, những hàng cây ăn quả trĩu cành. Không chỉ cho doanh thu gần 4 tỷ đồng và lợi nhuận thu về khoảng 700 triệu đồng mỗi năm, mô hình kinh tế tuần hoàn này còn tạo cảnh quan xanh mát, góp phần xây dựng môi trường sạch đẹp của làng quê kiểu mẫu. Với những kết quả sau nhiều năm tạo lập, anh Hưng còn lên kế hoạch xây dựng mô hình sản xuất của mình thành nơi đón khách tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Cao Văn Cường: “Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong nông nghiệp. Sản xuất phải đem lại hiệu quả cao về kinh tế nhưng phải bền vững về môi trường. Vì lẽ đó mà những năm gần đây, trong phát triển mô hình sản xuất NTM, chúng tôi luôn định hướng, tuyên truyền và tập huấn xây dựng các mô hình hữu cơ, tuần hoàn, không gây phát thải”.

Hà Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-vung-que-ai-cung-muon-tro-ve-bien-mo-hinh-san-xuat-thanh-nhung-tieu-sinh-thai-ben-vung-237995.htm