Những vùng sẽ có mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộ

Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Biển động dữ dội, sóng cao đến 11m

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/h.

Dự báo, 10h ngày mai (5/9), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h. Vị trí khoảng 19,3N-115,2E; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 470km về phía Đông. 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục giảm dần.

Nhiều khu vực sẽ mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộ.

Nhiều khu vực sẽ mưa rất lớn do bão số 3 đổ bộ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, ngày và đêm nay (4/9), vùng biển phía đông của khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16, biển động dữ dội. Sóng biển cao 2- 4m, vùng gần tâm bão 4-6m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4m.

Ngày và đêm nay, vùng biển phía Đông của khu vực bắc biển Đông có mưa bão. Khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong chiều và tối nay (4/9), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Các chuyên gia dự báo, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, ngoài ảnh hưởng của gió mạnh trong bão thì bão số 3 có khả năng gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Nhiều khả năng bão số 3 sẽ gây mưa to cho khu vực Bắc Bộ tới tận Thừa Thiên - Huế. Nguy cơ rất cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh mưa lớn do bão số 3 sẽ bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. "YAGI là một cơn bão rất mạnh, sẽ vào sâu trong đất liền, phạm vi ảnh hưởng toàn miền Bắc nên cần chuẩn bị sớm các kịch bản ứng phó", TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết.

Hà Nội ra công điện khẩn ứng phó với bão số 3

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 141 về việc chủ động ứng phó bão số 3 (YAGI).

Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến bão và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó thiên tai, sự cố.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố nhấn mạnh việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Ứng phó với bão số 3, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương.

Theo đó, hiện nay bão số 3 có cường độ rất mạnh đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong những ngày tới. Thực hiện Nghị quyết số 102/NĐ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về công tác ứng phó với bão.

Thành phần tham dự là đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Thông tin và truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Cứu hộ - Cứu nạn; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-vung-se-co-mua-rat-lon-do-bao-so-3-do-bo-169240904130942739.htm