Những vườn cây ăn quả ở Hàn Quốc có gì đặc biệt?

Đất nước Hàn Quốc không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp lịch sử và văn hóa độc đáo mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, đặc biệt là những vườn cây ăn quả thơ mộng.

Ông Yun DeuKman chia sẻ với đoàn thực tập sinh Việt Nam về kỹ thuật trồng nho

Ông Yun DeuKman chia sẻ với đoàn thực tập sinh Việt Nam về kỹ thuật trồng nho

Trong chuyến học tập đào tạo phát triển nông nghiệp mới đây tại thành phố Asan, tỉnh Chungcheong Nam (Hàn Quốc), tôi may mắn được đến trải nghiệm hương vị tự nhiên, hòa mình vào không gian tươi đẹp của những vườn cây ăn quả nơi đây.

Vườn nho tập hợp hơn 50 giống nho khác nhau

Hàn Quốc vốn nổi tiếng với nho sữa - giống nho cao cấp có hương vị thơm ngon độc đáo. Đã nhiều lần được thưởng thức nho sữa ở Việt Nam nhưng khi đến thăm vườn nho của nông dân Im Hong Soon ở vùng Mbong-myeon (Asan), tôi mới biết cùng là nho sữa nhưng cũng có nhiều loại, có loại quả tròn, có loại quả dài, có loại hình trái tim; mỗi loại lại có thời gian ra hoa, thu quả khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có đặc điểm chung là khi chín vỏ vẫn màu xanh, không hạt, kích thước quả lớn, dày cùi, giòn, hàm lượng đường cao, có thể ăn cả vỏ nên rất được người tiêu dùng ưa thích.

Các chùm nho khi còn non được bọc trong một lớp giấy đặc biệt để tránh tuyệt đối các bụi bẩn và côn trùng.

Các chùm nho khi còn non được bọc trong một lớp giấy đặc biệt để tránh tuyệt đối các bụi bẩn và côn trùng.

Ông Im Hong Soon chia sẻ: Nơi đây là vùng đất cát, rất phù hợp với cây nho, hơn nữa chênh lệnh nhiệt độ ngày đêm lớn, ban ngày nhiều nắng đã giúp chất lượng, hương vị nho vùng này trở nên đặc biệt. 2000 m2 trồng nho với 200 gốc nho của gia đình ông đã có tuổi đời 12 năm, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, tương đương với 50 triệu Won (khoảng 1 tỷ đồng tiền Việt Nam).

Tuy đã 72 tuổi nhưng ông Im Hong Soon cảm thấy công việc trồng nho rất nhàn hạ bởi tất cả công đoạn chăm sóc đều đã có máy móc thay thế. Công đoạn duy nhất còn phải làm thủ công là tỉa quả và thu hoạch. Cũng theo ông, để đảm bảo chất lượng quả nho đưa ra thị trường, cây nho được trồng trong nhà kính, chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, các hóa chất BVTV chỉ được phép dùng ở giai đoạn trước khi cây nho ra hoa.

Mỗi gốc nho có thể ra tới 40-50 chùm quả, mỗi chùm nặng 600-700g.

Mỗi gốc nho có thể ra tới 40-50 chùm quả, mỗi chùm nặng 600-700g.

Không giống ông Im Hong Soon chỉ trồng duy nhất các giống nho sữa, ông Yun DeuKman ở Magok-ri Songak-myeon tập hợp trong khu vườn 3.000 m2 của mình hơn 50 giống nho khác nhau trên khắp thế giới. Bước chân tới đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước khu vườn nho trải dài xanh mát, cây nào cũng trĩu quả với đủ các hình dạng, màu sắc, kích cỡ to nhỏ khác nhau.

Ông Yun DeuKman chia sẻ: Ông có niềm đam mê đặc biệt với công việc làm nông và nhất là cây nho. Sau khi về hưu, ông đã đầu tư công sức, thời gian, sưu tập rất nhiều giống nho khác nhau về trồng ở khu vườn này. Mục đích là nghiên cứu, đánh giá, đưa ra giống nho phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện thời tiết khác nhau, đáp ứng từng sở thích riêng biệt của người tiêu dùng. Đồng thời, ở đây ông cũng thử nghiệm nhiều cách trồng: Trồng trong bầu nhựa, trồng dưới đất, trồng ngoài trời, trồng trong nhà kính...

Những vườn lê 60 năm tuổi

Những vườn lê ở Asan được canh tác theo lối hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ cỏ.

Những vườn lê ở Asan được canh tác theo lối hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ cỏ.

Cùng với cây nho thì những nông dân ở thành phố Asan cũng trồng rất nhiều lê, tập trung chủ yếu ở Eumbong-myeon với khoảng 300 hộ chuyên canh, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 2 ha. Nơi đây có những vườn lê 40-60 năm tuổi như vườn lê của gia đình ông Kim Tae Seop. Nhìn những gốc lê cổ thụ, cành lá đan cài vào nhau tạo thành những mái vòm xanh mướt mát tôi đã không khỏi choáng ngợp. Mỗi cành cây lê có tới hàng trăm bao giấy bao bọc trong đó là những quả lê đang độ lớn.

Ông Kim Tae Seop cho biết: Việc bọc các quả lê bởi các bao giấy sẽ làm giảm nguy cơ sâu bệnh và côn trùng có hại. Không những vậy, còn ngăn cho các trái lê tiếp xúc trực tiếp với các tia UV, giúp cho lê được đều màu và thịt quả được giòn. Mặt khác, bao giấy cũng giúp bề mặt quả lê được đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Kim Tae Seop và vườn lê 60 năm tuổi.

Ông Kim Tae Seop và vườn lê 60 năm tuổi.

Được biết, vườn của ông Kim Tae Seop hiện có khoảng 700 cây lê, mỗi cây có thể cho khoảng 300 quả, mỗi quả nặng chừng 6-7 lạng. Mặc dù lê được thu hoạch tập trung, đồng loạt vào khoảng tháng 9, tháng 10 (sau mùa mưa hàng năm) nhưng do có kho lạnh để bảo quản nên ông vẫn có lê bán đến tận tháng 5 năm sau.

Đặc biệt, nhờ được canh tác theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV độc hại, đảm bảo các tiêu chí khắt khe về độ an toàn, chất lượng (độ cứng, hàm lượng đường, màu sắc, hình dáng...) nên giá bán lê của gia đình ông Kim Tae Seop ở mức khá cao, khoảng 10 nghìn Won/1kg, tương đương với khoảng 190 nghìn đồng tiền Việt Nam/1kg.

Hút hồn với vườn táo chi chít quả

Nông dân sẽ tỉa bỏ và chỉ để lại từ 30-100 quả trên một cây tùy theo độ tuổi để đảm bảo quả táo to, đều, đạt kích cỡ tiêu chuẩn.

Nông dân sẽ tỉa bỏ và chỉ để lại từ 30-100 quả trên một cây tùy theo độ tuổi để đảm bảo quả táo to, đều, đạt kích cỡ tiêu chuẩn.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là những vườn táo xinh đẹp, cận kề các ngọn đồi. Mặc dù phải 2 tháng nữa mới là chính vụ thu hoạch nhưng nhìn những cây táo trĩu trịt quả, quả nào quả ấy trong đều, căng bóng, xanh mướt cũng đủ làm tôi mê mẩn.

Các vườn táo được trồng, chăm sóc, cắt tỉa với quy trình vô cùng nghiêm ngặt.

Các vườn táo được trồng, chăm sóc, cắt tỉa với quy trình vô cùng nghiêm ngặt.

Các vườn táo ở đây được trồng, chăm sóc, cắt tỉa với quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Hàng cách hàng khoảng 3 m, cây cách cây khoảng 2m, đủ chỗ cho một xe nâng vào để thu hoạch quả hay hái lá những cây cao quá mà người với không với tới.

Nông dân Sung Si-kyung sở hữu 2 ha táo với 8 giống táo khác nhau cho biết: Mùa làm táo thường được bắt đầu vào tháng ba, khi tiết trời trở nên ấm dần và cây táo bắt đầu cho ra những búp lá đầu tiên. Đến giữa độ tháng tư, những bông hoa táo bắt đầu bung nở. Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 là bắt đầu tỉa quả, chỉ lựa những quả đẹp, cân đối, cuống dài, không bị sứt sẹo để lại, còn lại phải cắt bỏ, mỗi cây táo tùy vào độ tuổi chỉ được phép để lại từ 30-100 quả.

Tháng 7 là lúc trời nắng gắt nhất, phải căng lưới để giảm nhiệt, đồng thời cũng phải tiến hành tỉa lá xung quanh quả sao cho ánh nắng tiếp xúc với bề mặt quả được nhiều nhất để khi chín quả được đỏ đều đẹp từ trên xuống dưới.

Thường vào tháng 8, những giống táo chín sớm sẽ bắt đầu cho thu hoạch và việc thu hoạch kéo dài đến khoảng tháng 11. Trung bình 1 ha táo sẽ cho khoảng 25-30 tấn quả, tương đương với giá trị khoảng hơn 200 triệu Won (khoảng 4 tỷ đồng tiền Việt Nam).

Việt quất cũng là một trong những cây ăn quả đang được phát triển tại Asan.

Việt quất cũng là một trong những cây ăn quả đang được phát triển tại Asan.

Ở Asan bên cạnh lúa là cây trồng chủ đạo thì các loại cây ăn quả cũng chiếm diện tích khá lớn, khoảng hơn 1.000 ha. Trong đó, nhiều nhất là lê với 636 ha, kế đến là nho, táo, việt quất, ngoài ra ở đây cũng rất nổi tiếng với dâu tây, dưa lê... Hiện nay, nhiều nhà vườn ở đây còn phát triển loại hình du lịch chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức trái cây tại chỗ được nhiều du khách ưa thích, lựa chọn.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-vuon-cay-an-qua-o-han-quoc-co-gi-dac-biet-/d20240715134552786.htm