Những vướng mắc trong giao dịch T+0 và bán khống trên thị trường chứng khoán
Cùng với giao dịch trong ngày (T+0), bán khống sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán cũng như giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá nâng hạng theo FTSE Russell và MSCI.
Cuối tháng 8/2020, Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Dự thảo Thông tư đưa ra các quy định về có giao dịch bán khống có đảm bảo, giao dịch T+0. Sau thông tin này, giới đầu tư kỳ vọng sản phẩm mới này sớm đi vào vận hành để có sự lựa chọn đa dạng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cùng với giao dịch trong ngày (T+0), bán khống sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán cũng như giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá nâng hạng theo FTSE Russell và MSCI.
Tại tọa đàm "Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu COVID-19" diễn ra ngày 21/10, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) chia sẻ, năm 2018, đơn vị này đã triển khai CCP (là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ, trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch) cho thị trường phái sinh.
Trong đó, VSD đóng vai trò gánh chịu các rủi ro trên thị trường. Đây là chuẩn mực thanh toán tốt nhất thế giới hiện nay.
Đó là những gì đã triển khai đổi với thị trường phái sinh. Còn với thị trường cơ sở, các nghiệp vụ chưa triển khai được hoặc vướng mắc khi quốc tế xem xét nâng hạng cho Việt Nam đó là ký quỹ 100% khi đặt lệnh mua, bán.
"Tuy nhiên, CCP cho phép tháo gỡ vấn đề trên khi được triển khai, nhà đầu tư chỉ cần kí quỹ 10 - 20% giá trị đặt mua trên thị trường", ông Sơn cho biết.
Với giao dịch bán khống, người đứng đầu VSD cho biết hiện luật không cấm nhưng chưa có văn hướng dẫn cụ thể. Khi có hệ thống công nghệ mới thì có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo.
Nói về hoạt động bán khống, Chủ tịch VSD cho hay: "Về pháp lý, cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về, không phải bây giờ mới có nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Hiện đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường, dự kiến vận hành vào năm 2021".
Vị này cũng nói thêm, việc bán khống và các nội dung khác, luật thế hệ trước không cấm nhưng chưa sẵn sàng cho việc đó nên chưa có văn hướng dẫn. Khi có hệ thống công nghệ mới thì có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo.
Theo tìm hiểu, nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0 nếu được áp dụng sẽ giúp thị trường cải thiện thanh khoản, dòng tiền đầu tư có cơ hội đạt hiệu quả cao hơn. Các quỹ đầu tư, tổ chức lớn có thể giúp thị trường định giá đúng hơn tài sản khi thực hiện nghiệp vụ bán khống các cổ phiếu đã tăng quá cao, vượt xa giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Theo đó, mặt bằng thị giá cổ phiếu cũng như chỉ số chung của thị trường sẽ không quá lệch so với giá trị vốn có của nó.
Về mặt tích cực, hoạt động bán khống sẽ giúp đẩy các tài sản tài chính sớm về giá trị thực, giúp thị trường thanh lọc lại do yếu tố đầu cơ quá mức tài sản tạo nên sự chênh lệch thị giá và giá trị nội tại.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang tập trung cao độ cho hoàn thiện khung pháp lý mới cho thị trường chứng khoán.
Theo kế hoạch, đến 15/11, các cấp quản lý sẽ ký ban hành toàn bộ 4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán năm 2019 từ ngày 1/1/2021.
Không chỉ phát triển hệ thống kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, mà điểm mới trong hệ thống pháp lý này còn thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý là thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán bền vững. Bởi vậy, từ năm 2021, chứng khoán Việt Nam sẽ thay đổi vượt bậc về chất và phát triển bền vững hơn.
"Về câu chuyện nâng hạng thị trường, FTSE Russell và MSCI cũng không thể quyết định mà nó phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay", bà Bình trả lời.
Trên thế giới, một số thương vụ bán khống đã đi vào lịch sử như chuyện xảy ra với đồng bảng Anh năm 1992, hay đồng bạt Thái năm 1997. Bên cạnh các tác động tích cực, thực tế cũng cho thấy, nghiệp vụ thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh như bán khống, T+0 tiềm ẩn nhiều hệ lụy cần lường trước, nhất là với nhà đầu tư đại chúng.
Thứ nhất, khi nhà đầu tư được giao dịch T+0 hay bán khống, biến động thị trường lớn sẽ dễ tác động tới tâm lý, cũng như hành động giao dịch mà không có thời gian suy nghĩ đủ.
Khi nhiều nhà đầu tư cùng một cách hành động sẽ dẫn tới việc thị trường biến dạng theo những phản ứng quá đà của đám đông.
Ðầu năm nay, khi thế giới đối diện với đại dịch COVIDD-19, nhà đầu tư trên nhiều thị trường chứng khoán đã phản ứng quá đà và đồng loạt, nhiều cơ quan quản lý phải ra quyết định cấm bán khống trong một thời gian nhất định để ổn định tâm lý thị trường.
Thứ hai, môi trường cho những tin đồn thất thiệt sẽ dễ gây nên sự hoảng loạn của đám đông hơn, khi mà các tin đồn được tung ra kết hợp với diễn biến ra cổ phiếu trong ngắn hạn dễ dẫn tới hành động bán theo xu hướng của đám đông nhà đầu tư. Thực tế này sẽ dễ tạo ra hiệu ứng domino trên thị trường.
Những quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển hoặc hoạt động lâu năm đã lường trước tác động 2 mặt của bán khống và giao dịch T+0, nên kiểm soát rất chặt.
Cơ chế giao dịch trong ngày là gì?
Daytrading là cơ chế giao dịch trong ngày, trong đó nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một loại chứng khoán (hay các sản phẩm tài chính khác) nhiều lần trong cùng ngày với mục đích đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận hoặc để hạn chế rủi ro do giá chứng khoán biến động theo chiều hướng đi xuống so với thời điểm mua vào.
Với việc thực hiện giao dịch trong ngày, vào cuối ngày, tất cả vị thế nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư sẽ được đối trừ (offset) với nhau, nên không phát sinh nghĩa vụ thanh toán chứng khoán, mà họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng tiền trong trường hợp bị lỗ hoặc được nhận tiền trường hợp lãi.
Chính vì vừa được mua và bán chứng khoán trong cùng ngày nên nhiều nhà đầu tư coi đây là giao dịch T+0 (thanh toán ngay trong ngày giao dịch).
Tuy nhiên, về bản chất đây chỉ là sự đối trừ về nghĩa vụ mua và bán chứng khoán cùng loại, khác hoàn toàn với quy định về thời gian thanh toán giao dịch mà các thị trường hiện đang áp dụng phổ biến hiện nay là T+1 (thanh toán giao dịch vào ngày sau ngày giao dịch) hay T+2 (thanh toán giao dịch vào ngày thứ 2 sau ngày giao dịch).