Những xu hướng công nghệ trong phát triển năng lượng mà Việt Nam 'không thể đứng ngoài'
Chuyên gia kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phát triển các phương tiện chạy bằng điện (xe khách, xe tải nhỏ) và các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro (tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…). Đây là xu hướng của thế giới mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Điển hình như việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế…
Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ KH-CN phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 17.9 tại Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn - Thư ký World Energy Council Việt Nam cho biết phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới do Hội đồng Năng lượng Thế giới chủ trì (khảo sát trên 100 quốc gia), các phượng tiện chạy bằng điện sẽ phổ biến vào năm 2040, nhưng sẽ bị hạn chế về công suất nên chỉ sử dụng cho những loại như xe đạp điện, xe khách điện, xe bán tải… Đối với các phương tiện cần có công suất lớn như xe tải hạng nặng, xe buýt, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… thì sẽ sử dụng nhiên liệu hydro.
Ngoài ra, khảo sát trên cũng cho thấy hơn 100 quốc gia đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040. Cụ thể, biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các điểm chính như tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt, đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện, áp dụng kỹ thuật số/blockchain trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Về công nghệ, các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất vào năm 2040. Điện mặt trời trên mái, các thiết bị lưu trữ điện, các thiết bị sử dụng điện hiệu quả, digital/blockchain sẽ là các công nghệ có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ năng lượng.
Vậy công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040? “Trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng. Các chuyên gia giải thích rằng việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040 bởi nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung. Lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả. Các tấm pin mặt trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Phát triển tự động hóa và các máy móc. Hydro sạch, năng lượng gió sẽ góp phần đáng kể vào việc sản xuất năng lượng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo minh bạch, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường; cơ chế hỗ trợ tài chính (cho vay lãi suất ưu đãi…), ưu đãi về thuế để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch.
Cùng đó, về KH-CN sẽ phải tiến hành triển khai những chương trình nghiên cứu và phát triển tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; đồng thời, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.