Những ý niệm dưới tán hoa mỏng manh tô thắm Nhật Bản
Khắp đất nước Nhật Bản những ngày này đang được tô điểm sắc hồng và trắng tinh khiết của hoa anh đào. Năm nay, mùa hoa anh đào nở sớm, mang tới không gian đầy mê hoặc.
Đã trở thành truyền thống vượt thời gian, cứ mỗi mùa xuân sang, người dân Nhật Bản và du khách quốc tế lại nô nức tham dự lễ hội Hanami. Trong văn hóa Nhật Bản, Hanami có nghĩa là ngắm hoa, ẩn chứa những thông điệp về bản chất nhất thời của cuộc sống, sự trân trọng đối với thiên nhiên, là những điều được tôn kính trong văn hóa Nhật Bản.
Người Nhật tâm niệm, ngắm hoa vào mùa xuân không chỉ là thưởng lãm cảnh đẹp đơn thuần, mà hoạt động này còn là điểm hẹn đáng trân trọng kết nối các mối quan hệ. Nổi bật trong đó là việc các thành viên gia đình, các hội nhóm bạn bè, đồng nghiệp cùng sum vầy dưới hàng cây hùng vĩ với tán hoa anh đào nở rộ trong công viên hay thảm cỏ dọc bờ sông; tiếng xào xạc của gió xuân ấm áp hòa quyện cùng âm thanh văng vẳng của tiếng đàn shamisen và mùi thơm của các món ăn truyền thống...
Phong tục Hanami có bắt nguồn sâu xa trong lịch sử Nhật Bản và được kế tục đến xã hội đương đại. Tục lệ này tương đồng với nhiều phong tục ngắm hoa ở các nước châu Á. Hanami có thể khởi nguồn từ khoảng năm 710 đến 794. Ban đầu, tập tục này là ngắm hoa ume, một loài hoa có họ hàng với hoa mận và hoa mơ, thường nở từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. Hoa ume được người Nhật tôn vinh như biểu tượng của sự bền bỉ và kiên trì.
Tuy nhiên, tục lệ ngắm hoa mùa xuân đã chuyển từ hoa ume sang hoa anh đào. Trái ngược với hoa ume bền bỉ, hoa anh đào nở rộ với vẻ đẹp thoáng qua, chỉ kéo dài tối đa 1 hoặc 2 tuần. Sự nhất thời này cộng hưởng với khái niệm triết học và thẩm mỹ của Nhật Bản về sự vô thường của vạn vật, từ đó khuyến khích mỗi người chiêm nghiệm và có những nhận thức sâu sắc về hành trình cuộc sống của con người.
Hoa anh đào mỏng manh, chỉ cần một cơn gió cũng có thể tạo thành một cơn mưa cánh hoa. Người Nhật coi hình ảnh này là một lời nhắc nhở sâu sắc về bản chất nhất thời của vẻ đẹp và cuộc sống. Cảnh tượng phù du này, nơi mặt đất trở thành một tấm thảm cánh hoa màu hồng nhạt, thể hiện bản chất của quan điểm “đơn sắc không nhận thức”, ẩn chứa sự nhạy cảm với sự phù du, tôn vinh nhận thức buồn vui lẫn lộn về vô thường.
Ngắm hoa anh đào là ngắm hiện thân của nét đẹp đơn giản, tinh túy, tĩnh lặng, khiêm tốn... mà văn hóa Nhật Bản coi là phẩm chất tốt đẹp của con người. Ngồi dưới những tán hoa anh đào, con người được thôi thúc trân trọng khoảnh khắc hiện tại, nhận ra vẻ đẹp của sự vô thường và suy ngẫm về sự tồn tại của chính mình. Dành thời gian ngắm hoa cũng là dành cho bản thân chút khoảng lặng để suy ngẫm, đánh giá cao và chấp nhận chu kỳ sinh trưởng, suy tàn và về miền dĩ vãng của quy luật tự nhiên, giống như hoa anh đào duyên dáng vào mỗi mùa xuân.
Kế tục qua nhiều thế kỷ, bên cạnh những hoạt động dã ngoại sum vầy bên gia đình, bạn bè như một truyền thống của người Nhật, cũng có nhiều hoạt động lễ hội Hanami được tổ chức ở quy mô lớn, biến xứ sở mặt trời mọc trở thành điểm đến hàng đầu của thế giới trong mùa xuân.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản, mùa hoa anh đào năm nay sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 3, nhưng ở nhiều nơi trên khắp đất nước mặt trời mọc, những cánh hoa đầu mùa đã khoe sắc. Một điểm ngắm hoa anh đào nổi bật nhất là con đường rợp hoa ở thành phố Osaka, nằm trong khu đất thuộc trụ sở của cơ quan công quyền. Con đường này chỉ dài khoảng 560m nhưng đã là điểm đến nổi tiếng trong 30 năm qua. Sức hấp dẫn rất lớn của con đường này được tạo nên chủ yếu bởi 335 cây thuộc 138 loài hoa anh đào.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, ước tính có khoảng 170.000 du khách ghé thăm con đường này trong năm nay. Trước thời kỳ đại dịch Covid-19, con đường này là địa điểm du lịch thu hút gần 600.000 người.