Những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu
Các nhà đầu tư trong năm nay đang đặc biệt tập trung vào quỹ đạo của chính sách tiền tệ khi lạm phát gia tăng trên toàn thế giới.
Sự không chắc chắn đến từ căng thẳng địa chính trị
Trong khi các ngân hàng trung ương vẫn là chủ đề chi phối trên thị trường, các nhà đầu tư giờ đây cũng phải đối mặt với sự không chắc chắn về tình hình ở biên giới Nga - Ukraine sẽ diễn ra như thế nào.
Các nhà kinh tế học ít nhất có thể cố gắng dự đoán kết quả các quyết định của ngân hàng trung ương bằng cách xây dựng các mô hình dựa trên dữ liệu, bình luận từ các quan chức và tiền lệ lịch sử. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây là một loại rủi ro có thể có những tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng vẫn chưa thể được mô hình hóa một cách dễ dàng hoặc chính xác.
"Cảm giác không chắc chắn đã bắt đầu len lỏi vào các thị trường tài chính".
Sự biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ và cũng là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng đại dịch hai năm trước, khi các nhà đầu tư đang phân tích tình hình Nga - Ukraine và cố gắng diễn giải các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để kiềm chế lạm phát.
Đồng thời, thị trường chứng khoán trở nên hỗn loạn hơn do những biến động ngắn hạn ở Phố Wall tăng cao hơn.
Tuy nhiên, Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank lưu ý rằng, việc bán tháo cổ phiếu của Mỹ do các sự kiện địa chính trị gây ra có xu hướng “ngắn với khoảng thời gian khoảng 3 tuần để chạm đáy và 3 tuần nữa để phục hồi so với mức trước đó”.
Việc nới lỏng các hạn chế của Covid có thúc đẩy hoạt động kinh doanh của châu Âu trong tháng 2 không?
Tình trạng lây nhiễm Covid-19 giảm và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động của châu Âu vào tháng 2, nâng cao chỉ số PMI về sản xuất và dịch vụ.
Ellie Henderson, nhà kinh tế tại Investec cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng rằng, sẽ có sự phục hồi hơn nữa trong PMI dịch vụ vào tháng 2, khi hoạt động kinh tế được thúc đẩy bởi việc dỡ bỏ các hạn chế của kế hoạch B và số lượng lây nhiễm Covid-19 giảm bớt”.
Bất kỳ chỉ số PMI nào mạnh hơn dự kiến đều có thể ủng hộ quan điểm rằng, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 3 vì họ đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 30 năm.
Tốc độ mở rộng của hoạt động sản xuất dự kiến sẽ yếu hơn một chút trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vì phản ánh tác động bị trì hoãn từ làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron nhiều hơn so với ở Anh. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo, PMI tổng hợp của khu vực đồng euro sẽ tăng lên 52,7 trong tháng 1 từ mức 52,3 của tháng trước.
Liệu lạm phát của Mỹ có tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 38 năm hay không?
Tốc độ tăng giá ở Mỹ trong tháng 1 có thể được giữ gần mức cao nhất trong 38 năm khi các quan chức ngân hàng trung ương của Mỹ tiến gần hơn đến việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch.
Theo các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động, được dự báo sẽ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/1983.
Kathy Bostjancic, nhà kinh tế tài chính Mỹ của Oxford Economics dự đoán mức tăng hàng năm của giá PCE đang trên đà duy trì trên 3% trong quý IV/2022, mức mà các nhà hoạch định chính sách sẽ coi là “cao và không thể chấp nhận được” vào cuối năm.
Giá cả tăng mạnh trong năm qua đã gây áp lực lên chính quyền Biden và Fed trong việc kiềm chế lạm phát tràn lan.
Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư hiện đặt tỷ lệ 52% vào việc Fed đẩy lãi suất cao hơn ít nhất 1% trước khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 6.