Những yếu tố cản trở BOJ tăng lãi suất trong cuộc họp tới

Một câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra là liệu BOJ có nâng lãi suất trong lần họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng này?

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda - Ảnh: Yomiuri Shimbun.

Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra trong hai ngày 30-31/10, chỉ vài ngày sau cuộc tổng bầu cử ở nước này. Đây là cuộc bầu cử mà tân Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ phải trải qua một “bài kiểm tra” quan trọng đối với kế hoạch của ông về thúc đẩy việc tăng lương và vực dậy nền kinh tế đang ảm đạm.

Trong bối cảnh như vậy, một câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra là liệu BOJ có nâng lãi suất trong lần họp này?

CÁC RỦI RO BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm bằng đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 17 năm vào tháng 3 năm nay. Sau đó, cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7 và phát tín hiệu sẵn sàng nâng thêm lãi suất một khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có đủ tin tưởng rằng Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Tuy nhiên, với tốc độ lạm phát hàng năm ở Nhật hiện đang ổn định quanh ngưỡng 2% và hầu như không có dấu hiệu tăng mạnh, BOJ không cần vội trong việc tăng lãi suất.

Theo dự báo của phần lớn chuyên gia, BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp 10. Một tín hiệu của sự “án binh bất động” là Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhấn mạnh sự cần thiết phải dành thời gian để giám sát các rủi ro, bao gồm bất định về kinh tế Mỹ và tác động từ sự biến động của thị trường tài chính.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương như BOJ thường tránh việc thay đổi chính sách vào thời điểm gần các sự kiện chính trị lớn. BOJ có nhiều lý do để giữ nguyên lãi suất sau cuộc tổng bầu cử của Nhật Bản dự kiến diễn ra vào ngày 27/10 và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11.

BOJ đã cho biết sẽ tăng thêm lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến phù hợp với dự báo của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Điều đó có nghĩa là báo cáo hàng quý của BOJ - bao gồm các dự báo về giá cả và tăng trưởng kinh tế - có thể là manh mối về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo. Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters, từ nay cho đến hết tháng 3/2027, khó có chuyện BOJ điều chỉnh mạnh dự báo rằng lạm phát sẽ tiếp tục dao động quanh mục tiêu 2%.

Mặc dù dự báo như vậy sẽ đáp ứng điều kiện tiên quyết để tăng lãi suất lên cao hơn, BOJ có thể đưa ra tín hiệu tăng lãi suất một cách chậm chạp, bằng cách nêu bật những rủi ro như tăng trưởng toàn cầu chậm lại và thiệt hại về mặt tâm lý mà thị trường biến động có thể gây ra đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nếu BOJ tăng cường cảnh báo về những rủi ro như vậy hoặc đề cập đến những rủi ro đó trong phần định hướng chính sách của báo cáo hàng quý, điều đó có thể làm giảm thêm khả năng BOJ tăng lãi suất vào cuối năm nay. Ngược lại, một sự lạc quan gia tăng về việc tăng lương bền vững có thể là dấu hiệu cho thấy đợt tăng lãi suất tiếp theo đang đến gần.

YẾU TỐ TIỀN LƯƠNG VÀ CHÍNH TRỊ

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Rengo - tổ chức công đoàn lớn nhất Nhật Bản - cho biết đặt mục tiêu đàm phán được mức tăng lương 5% trong năm 2025, tương tự mức tăng mạnh đạt được trong năm nay. Thủ tướng Ishiba, người nhậm chức vào tháng 10 này, đã đưa việc tăng lương cho người lao động trở thành một ưu tiên hàng đầu, nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm.

Tiền lương tăng nhanh có thể thúc đẩy cả lạm phát và tăng trưởng kinh tế, mở đường cho BOJ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu tăng lương 5% mà Rengo đặt ra cho năm 2025 có thể là phi thực tế.

Cuộc họp báo của Thống đốc Ueda vào ngày 31/10, sau khi BOJ họp xong, có thể đưa ra một số manh mối về tiến độ và thời điểm của những đợt tăng lãi suất trong tương lại. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 9, ông Ueda đã đưa ra tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất khi nói rằng BOJ sẵn sàng dành thời gian để theo dõi các rủi ro.

Những đánh giá của ông Ueda về tỷ giá đồng yên cũng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi xu hướng mất giá mạnh của đồng yên đã đẩy lạm phát ở Nhật lên, là một trong những nhân tố khiến BOJ tăng lãi suất vào tháng 7.

Dù đã hồi phục nhiều so với mức đáy của 38 năm gần 162 yên đổi 1 USD vào đầu tháng 7, đồng yên gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi với hơn 150 yên đổi 1 USD, vì khả năng BOJ tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2025 suy giảm. Nếu yên tiếp tục mất giá, ông Ueda sẽ đương đầu áp lực đòi hỏi ông phải đưa ra những tín hiệu cứng rắn hơn về triển vọng lãi suất.

Sau cuộc họp tháng 10, các cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18-19/12 và 23-24/1.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, một tỷ lệ đa số mong manh các nhà kinh tế học dự báo BOJ sẽ không tăng lãi suất thêm trong năm nay. Phần lớn các nhà kinh tế học đưa ra dự báo này cho rằng BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 3/2025.

BOJ đã phát tín hiệu sẵn sàng nâng lãi suất lên mức trung tính - mức lãi suất không gây hiệu ứng kích thích hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế, và được giới phân tích cho là khoảng 1% - vào khoảng cuối năm tới hoặc đầu năm 2026.

Tuy nhiên, chặng đường từ đây đến đó có thể sẽ không bằng phẳng. BOJ hy vọng việc doanh nghiệp Nhật tăng lương mạnh cho người lao động trong năm nay sẽ khuyến khích tiêu dùng và cho phép các nhà bán lẻ ở nước này duy trì việc tăng giá bán hàng. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu suy yếu có thể sẽ cản trở các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản đưa ra mức tăng lương lớn trong năm tới.

Vấn đề chính trị cũng phủ bóng lên đường đi lãi suất của BOJ. Thủ tướng Ishiba đã nói sẽ không can thiệp vào chính sách tiền tệ, nhưng giới phân tích không loại trừ khả năng ông sẽ không hài lòng với việc BOJ tiếp tục tăng lãi suất một khi đảng cầm quyền giành kết quả kém khả quan trong cuộc tổng bầu cử ngày 27/10.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-yeu-to-can-tro-boj-tang-lai-suat-trong-cuoc-hop-toi.htm