Những yếu tố cản trở nhà đầu tư vào Trung du miền núi Bắc Bộ
Đó là 3 yếu tố: Công tác quy hoạch của các địa phương trong vùng còn chậm; hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế; Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư cũng còn chậm.
Những năm qua, Trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) là vùng có nhiều tài nguyên để phát triển kinh tế. Việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến với vùng đất này đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, Vùng TDMNBB cũng có nhiều bất lợi nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư so với các vùng khác.
Chính vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt để phát huy hơn nữa lợi thế của khu vực, tăng cường kết nối giữa các DN trong cộng đồng kinh tế vùng, hướng đến tính hiệu quả trong lan tỏa đầu tư.
Hệ thống giao thông “gần nhà - xa ngõ”
Tại Diễn đàn “Liên kết DN thúc đẩy phát triển bền vững Vùng TDMNBB”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/9, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, với những lợi thế của tỉnh, Tuyên Quang đã coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên ông Sơn cũng cho biết, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là quy hoạch, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, hạ tầng giao thông Tuyên Quang chưa hoàn thiện khiến liên kết vùng chưa hiệu quả. Thu nhập từ rừng của người dân còn rất thấp; chưa có hành lang pháp lý cho việc phát hành Chứng chỉ carbon và tham gia thị trường carbon để giảm phát thải nhà kính…
Xác định để trở thành trung tâm liên kết phải phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực đột phá, những năm qua tỉnh Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Song theo đánh giá của ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, hiện năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ đã dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ".
“Người dân, DN muốn từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa các địa phương. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong Vùng”, ông Khánh cho biết và kiến nghị với Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh triển khai các dự án lớn về hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết Vùng.
Liên kết tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá
Xác định Vùng TDMNBB là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Nghị quyết số 96NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/8/2022 với mục tiêu đến năm 2030, Vùng TDMNBB là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội.
Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Vùng và Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, 3 vấn đề lớn của vùng liên quan nhiều đến DN hiện nay là công tác quy hoạch còn chậm, số tỉnh phê duyệt quy hoạch chung còn ít; Cơ sở hạ tầng, nhất là các đường giao thông kết nối các tỉnh và địa phương còn hạn chế; Cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn còn chậm.
Do đó, ông Giang đề nghị, các cấp các ngành và địa phương cần chủ động hơn nữa, cùng đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, từ đó mở rộng luồng đầu tư vào vùng.
Khẳng định tính liên kết chỉ mang lại hiệu quả khi chính quyền DN cùng và chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn Vùng, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các địa phương trong Vùng cần liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị, kết nối nội vùng với các đô thị lớn Vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới.
Cụ thể là liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
“Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực. Nếu liên kết tất cả các vùng được đẩy mạnh, tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng chắc chắn sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn, khi liên kết nội vùng được phát triển, DN sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng để xúc tiến đầu tư”, ông Phòng định hướng.
Nhận thấy bức tranh chung để kết nối Vùng TDMNBB với các vùng động lực kinh tế còn hạn chế, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT cho rằng, cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế Vùng theo đùng thành ngữ “Đại lộ sinh đại phú”.
Trong đó xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (quốc gia, vùng, địa phương) phải đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của Vùng. Khi đó giao thông sẽ vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ hội đầu tư phát triển song hành với tiềm năng kinh tế của Vùng TDMNBB”, ông Chung đề xuất.