Những yếu tố khiến xung đột ở Ukraine khó sớm kết thúc

Tiếp tục các thông tin liên quan tới cuộc xung đột Nga – Ukraine. Sau khi lệnh ngừng bắn đơn phương của Nga tại Ukraine kết thúc, một loạt động thái diễn ra đã khiến tình hình căng thẳng giữa 2 bên leo thang. Theo giới quan sát, có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ chưa thể sớm chấm dứt, và gây tổn thất lớn cho cả 2 bên vào năm 2023.

LIÊN TỤC CÁC VỤ TẤN CÔNG LẪN NHAU

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine cũng đã tiến hành khoảng 370 cuộc pháo kích nhằm vào các vị trí của Nga ở Donetsk, Lugansk cũng như khu vực Zaporizhzhia và Kherson trong suốt thời gian ngừng bắn đơn phương.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Kramatorsk do Ukraine kiểm soát ở Donbass, bắn hạ hơn 600 binh sỹ Ukraine. Hoạt động này là “chiến dịch trả đũa” nhằm đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào khu nhà tạm dành cho các quân nhân Nga ở thành phố Makeyevka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) vào đêm Giao thừa. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã phủ nhận cuộc tấn này và khẳng định cuộc tấn công tên lửa chỉ phá hủy các cơ sở hạ tầng nhưng "các lực lượng vũ trang của Ukraine không bị ảnh hưởng".

XUNG ĐỘT KHÓ CÓ THỂ KẾT THÚC TRONG NĂM 2023

Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ khó có thể kết thúc trong năm 2023 do 3 yếu tố chính.

SỰ MÂU THUẪN GIỮA HAI BÊN

Thứ nhất, trở ngại chính đối với một thỏa thuận hòa bình là sự mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine. Để đạt được thỏa thuận, đòi hỏi một trong hai bên phải có sự nhượng bộ đáng kể. Phía Ukraine tin rằng, việc đồng ý bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hoặc đổi lãnh thổ lấy hòa bình sẽ là một sai lầm lớn, cho phép Nga tái tập hợp lực lượng, củng cố sức mạnh để tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai. Về phía Nga, sự thất bại có thể gây suy yếu vai trò của Nga trên trường quốc tế, khiến Tổng thống Putin sụt giảm sự ủng hộ và làm mất niềm tin của những người ủng hộ Điện Kremlin.

VŨ KHÍ TỪ PHƯƠNG TÂY

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi 20 tỷ USD để vũ trang và hỗ trợ Ukraine về mặt kinh tế. Không chỉ riêng Mỹ, nhiều nước phương Tây như Pháp và Đức cũng đã bắt đầu cung cấp thêm cho Ukraine nhiều phương tiện chiến đấu như xe bọc thép, xe tăng hạng nhẹ, … Vấn đề không chỉ là khoản kinh phí lớn mà còn là những loại vũ khí ngày càng tiên tiến, hiện đại mà họ nhiều nước hỗ trợ cho Kiev.

RÀO CẢN TÂM LÝ

Theo giới phân tích, cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, và ngày càng có nhiều ý kiến khẳng định sự cấp bách phải chấm dứt xung đột trong năm 2023. Nhưng sự ác liệt của các cuộc giao tranh đã đặt ra một rào cản tâm lý cho bất cứ thỏa thuận hòa bình nào, với suy nghĩ cho rằng, nếu dừng lại thì nỗ lực của hàng trăm nghìn binh sỹ đang bị hủy hoại một cách vô ích.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin “khó có thể chấp nhận bất cứ sự thỏa hiệp nào trừ khi Ukraine, với sự giúp đỡ của phương Tây, có thể khiến quân đội Nga bị tổn thất hơn và giành lại phần lớn các khu vực Nga đang kiểm soát”.

Thực hiện : Ngọc Anh Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhung-yeu-to-khien-xung-dot-o-ukraine-kho-som-ket-thuc