Điểm nóng xung đột ngày 2-10: Pháp lại muốn điều quân đến Ukraine?
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu Benjamin Haddad cho biết Pháp không loại trừ khả năng điều quân hỗ trợ Ukraine.
Đồng thời, Bộ trưởng Haddad khẳng định Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn giữ nguyên tuyên bố trước đây của mình về vấn đề này. Ông Haddad lập luận rằng Liên minh châu Âu (EU) "có nghĩa vụ tiếp tục hỗ trợ Ukraine" trong cuộc xung đột với Nga.
Hồi tháng 2, Tổng thống Macron từng đề cập đến khả năng điều binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine. Đó là lần đầu tiên ông Macron lên tiếng về ý tưởng đó. Tuy nhiên, phát biểu của nhà lãnh đạo Pháp vấp phải sự phản đối từ một số thành viên khác NATO như Hungary, Slovakia và Anh.
Đến tháng 5, Tổng thống Pháp lặp lại ý tưởng gây tranh cãi của chính ông về điều quân đội phương Tây đến Ukraine.
Giờ đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Berliner Zeitung của Đức được công bố vào ngày 1-10, Bộ trưởng Haddad cho biết "Tổng thống Macron đã nói rằng chúng ta không nên loại trừ bất cứ điều gì". Ông Haddad nói thêm rằng phương Tây nên "cân nhắc đến các nhiệm vụ huấn luyện".
Khi được hỏi liệu có lo ngại về khả năng leo thang xung đột hay không, nếu kịch bản này xảy ra, ông Haddad cáo buộc Nga đã ngăn chặn mọi nỗ lực giải quyết bằng ngoại giao. "Chúng ta nên ngừng vạch ra lằn ranh đỏ cho chính mình và tìm cách chấp nhận cái mà chúng ta gọi là sự mơ hồ chiến lược" - ông Haddad nhấn mạnh.
Song song đó, Bộ trưởng Haddad cũng ủng hộ việc cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Đài RT trước đây dẫn nguồn tin từ Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho biết Pháp đang chuẩn bị cử một đội khoảng 2.000 binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên vào tháng 6, Tổng thống Pháp nói về khả năng thành lập một liên minh các huấn luyện viên quân sự ở Ukraine để chuẩn bị cho các binh sĩ nước này trong chiến dịch đối phó với Nga. Lúc đó, ông Macron khẳng định: "Chúng tôi không có xung đột với Nga. Chúng tôi không muốn leo thang nhưng chúng tôi muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp Ukraine ứng phó".
Trước đó, hồi tháng 5, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ trích những phát biểu của ông Macron về khả năng triển khai quân đội. Ông Sarkozy cảnh báo rằng "sự mơ hồ về mặt chiến lược như vậy (có thể) tạo ra các điều kiện cho một sự bùng nổ thảm khốc".
Trong suốt tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles và Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini cũng lên tiếng phản đối ý tưởng của tổng thống Pháp.
Cùng thời điểm đó, tờ Politico trích dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chặn đề xuất của người đồng cấp Pháp Macron về việc điều các huấn luyện viên phương Tây đến đào tạo lực lượng Kiev tại Ukraine.
Tờ báo cho biết ông Biden bày tỏ lo ngại về hậu quả có thể xảy ra khi NATO điều quân đến một quốc gia mà họ có thể rơi vào tầm ngắm, có khả năng gây ra leo thang xung đột.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhiều lần lên tiếng phản đối việc gửi quân đội NATO đến hỗ trợ Kiev.
Phản ứng trước phát biểu của tổng thống Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi tuyên bố của ông Macron là "rất nguy hiểm". Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo việc triển khai lực lượng phương Tây đến Ukraine có thể dẫn đến "một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và một cuộc xung đột toàn cầu".