Những yếu tố nào sẽ chi phối kinh tế toàn cầu năm 2020?
Năm 2020 được dự đoán là năm có nhiều biến động quan trọng trên thị trường tài chính kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự lên - xuống của USD.
Nói đến năm 2020 không thể bỏ qua nền kinh tế số 1 thế giới - nước Mỹ. Trong vài tuần nữa, nước này sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc để mở ra một chương mới trong cuộc tranh chấp thương mại đầy dai dẳng này. Quan trọng hơn, cuối năm nay sẽ là cuộc bầu cử tổng thống, một phép thử quan trọng với những chính sách mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi.
Triển vọng chứng khoán Mỹ năm 2020
Hiện nay, tại Mỹ đang có 2 cách nhìn nhận về thị trường chứng khoán. Với những người lạc quan, chứng khoán với đà tăng mạnh mẽ giai đoạn cuối năm ngoái sẽ có thể kéo dài sang năm nay. Bởi họ hy vọng căng thẳng thương mại được xoa dịu, thị trường việc làm và tiêu dùng tiếp tục là trụ cột vững chắc cho kinh tế Mỹ.
Với những người thận trọng thì cho rằng, chứng khoán Mỹ đang có khả năng bị thổi phồng quá mức, tạo nguy cơ bong bóng. Đây sẽ là rủi ro trong năm mới. Họ trích dẫn quy luật thị trường thường là phục hồi, bùng nổ, bong bóng, vỡ bong bóng rồi lại phục hồi… Theo lý thuyết, thị trường càng tăng trưởng nhanh thì bong bóng càng có nguy cơ dễ nổ.
Tuy nhiên, khi nào mới là điểm bong bóng phát nổ vẫn là câu hỏi khó trả lời. Các chuyên gia phố Wall chỉ nhận định 2020 là một năm sẽ có nhiều biến động lớn bởi vấn đề thương mại và cả bầu cử. Vì thế, biết điểm dừng của bản thân là điều quan trọng nhất với các nhà đầu tư.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong năm 2019 là sự thay đổi của đồng USD. Liệu năm nay đồng USD và việc điều hành đồng tiền này của FED có chịu nhiều tác động từ bầu cử hay không?
FED là cơ quan hoạt động khá độc lập với các vấn đề chính trị nội bộ. Tuy nhiên nếu vấn đề chính trị ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, FED cũng sẽ phải có điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp. Chưa có thống kê nào về việc chính sách của FED bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử. Chỉ có việc, Tổng thống Mỹ sẽ là người đề xuất chủ tịch FED (theo nhiệm kỳ). Vì th,ế người chủ tịch mới có thể từ đó gây ảnh hưởng lên chính sách.
Chủ tịch hiện nay là ông Jerome Powell mới tiếp quản nhiệm kỳ được gần 2 năm và ông được thị trường nhìn nhận vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Nên chuyện thay đổi nhân sự là chưa thể xảy ra trong năm nay. FED cũng đã phát đi tín hiệu sẽ không thay đổi lãi suất trong cả năm nay.
Năm 2020, FED cũng sẽ phải theo sát 2 vấn đề lớn là quan hệ thương mại Mỹ - Trung và bầu cử Tổng thống Mỹ. Với 2 sự kiện này, khảo sát của hãng Reuters gần đây với 50 nhà phân tích tài chính thì 2/3 cho rằng đồng USD vẫn có thể là đồng tiền mạnh ít nhất trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, không chỉ có bầu cử Mỹ hay cuộc chiến thương mại sẽ là trọng tâm của năm 2020, vẫn còn những vấn đề lớn khác sẽ tác động đến những khu vực khác của nền kinh tế toàn cầu.
Những vấn đề sẽ làm nóng toàn cầu năm 2020
Trên chính trường thế giới, châu Âu vẫn là điểm nóng năm tới. Khả năng nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (hay Brexit) vào ngày 31/1/2020 trở nên rõ hơn bao giờ hết sau khi Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson thắng lớn ở cuộc bầu cử và nắm thế đa số tại hạ viện. Dù vậy, sự chia tay này không đồng nghĩa Brexit đã chấm dứt mà chỉ mở ra một giai đoạn thương thảo về quan hệ thương mại và chính trị giữa hai bên.
Một số quốc gia khu vực châu Mỹ Latin cũng được dự đoán là điểm nóng của năm sau vì những nguyên nhân như tăng trưởng yếu, thậm chí khủng hoảng kinh tế. Trong năm 2020, nguy cơ bất ổn có thể lan sang những nước khác trong khu vực.
Theo các nhà hoạt động môi trường, năm 2020 là "cơ hội cuối" để thế giới bắt tay xử lý vấn đề biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ các cộng đồng và thiên nhiên. Thách thức càng gia tăng khi có nhiều dấu hiệu cho thấy lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục tăng trong năm sau. Trung Quốc vẫn là quốc gia sử dụng nhiều than đá - loại nhiên liệu hóa thạch bị xem là gây ô nhiễm nhất. Nỗ lực kích thích kinh tế và cải thiện an ninh năng lượng của Bắc Kinh có thể còn thúc đẩy việc sử dụng loại nhiên liệu gây tranh cãi này trong năm tới.
Giá dầu trong năm 2020 được dự đoán sẽ vẫn là một biến số đáng theo dõi khi mà tình hình địa chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn có thể tiếp tục với những diễn biến bất ngờ.
Trong khi đó, tại châu Á, Nhật Bản cũng là một điểm nóng mà nhà đầu tư nhìn vào năm 2020. Bất chấp những đánh giá lạc quan từ phía chính phủ nước này, các doanh nghiệp Nhật Bản lại nhìn nhận năm 2020 là một năm với hàng loạt thách thức, tác động lên cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thách thức với nền kinh tế Nhật Bản 2020
Theo báo Asahi, trong phiên họp Nội các ngày 18/12/2019, Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất triển vọng tăng trưởng GDP thực chất năm tài khóa 2020 là 1,4%. Trong đó tiêu dùng cá nhân dự báo tăng 1% và đầu tư trang thiết bị tăng 2,7%. Tuy nhiên, nhìn vào sơ đồ thống kê các năm trước cho thấy, dự báo của Chính phủ thường cao hơn so với thực tế. Trong khi khu vực tư nhân đưa ra dự báo triển vọng tăng trưởng GDP 2020 chỉ đạt 0,49% tức là chưa bằng một nửa so với dự báo của chính phủ.
Trong bài phân tích của báo Nikkei Asian Review, đã chỉ rõ 3 vấn đề mà kinh tế Nhật Bản phải đối mặt trong năm 2020, thứ nhất là suy giảm về xuất khẩu, khi mà xuất khẩu tháng 11/2019 tiếp tục giảm, đánh dấu 12 tháng giảm liên tiếp, nhất là suy giảm xuất khẩu đối với thị trưởng Trung Quốc. Thứ hai là Tokyo đã vội vã ném 122 tỷ USD kích thích kinh tế nhằm đánh tán sự hoảng loạn hơn là điều chỉnh kinh tế. Thứ ba là những hành động khó đoán của Tổng thống Donald Trump.
Báo Kyodo phân tích gói kích cầu trị giá 26.000 tỷ Yen, tương đương 122 tỷ USD được Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế tới 1%, nhưng do thiếu lao động trong ngành xây dựng, hoạt động xây dựng, đầu tư công sẽ không đạt như kỳ vọng. Tiêu dùng cá nhân có xu hướng giảm sau Olympic Tokyo 2020, nên dự đoán tăng trưởng GDP thực chất 2020 ở mức 0,6%.
Điểm sáng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2019 vừa qua là tiêu dùng trong nước ổn định, chi tiêu đầu tư sản xuất có xu hướng tăng, bù đắp cho tác động từ rủi ro toàn cầu gia tăng. Việc tăng thuế tiêu dùng lên 10% đến thời điểm hiện tại chưa rõ tác động tiêu cực đáng kể.
2020 - Năm của những cải cách cơ cấu lớn ở Trung Quốc
Năm 2019 vừa qua cũng là 1 năm đầy sóng gió của Trung Quốc khi vừa thương chiến, vừa đương đầu với cơn sốt giá thịt lợn tăng vọt. Năm 2020 sẽ là năm hết sức quan trọng của Trung Quốc với những cải cách lớn sẽ chi phối toàn bộ nền kinh tế số 2 toàn cầu.
Đứng đầu trong số đó chính là việc nước này mở cửa lĩnh vực tài chính, trị giá ước tính lên tới 45.000tỷ USD. Đây là một trong những cam kết chính của chính quyền Trung Quốc trong vài năm gần đây, nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Một bước đi cũng quan trọng không kém đó là luật đầu tư mới của nước này sẽ chính thức có hiệu lực.
Ngay từ trước đạo luật này, giới chức nước này đã dọn đường cho việc thực hiện, thông qua nhiều động thái hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài. Hãng xe điện Tesla chính là một trong những doanh nghiệp quốc tế đầu tiên hưởng lợi từ chính sách này khi được cấp phép xây dựng nhà máy ô tô 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc. Chỉ trong chưa tới 1 năm, những chiếc xe đầu tiên từ nhà máy Tesla đã chính thức ra thị trường mà không còn phải chịu thuế tiêu dùng như với các dòng ô tô nước ngoài khác.