Những yếu tố nào tác động tới kích cầu tiêu dùng nội địa trong năm 2024?

Có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6%-6,5%, lạm phát khoảng 4%-4,5%. Đây là mục tiêu khá thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới diễn biến khó lường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa, động lực cho tăng trưởng cả năm 2024 khi các chỉ số kinh tế cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực nhờ chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, chiến lược đẩy mạnh đầu tư công, sự phục hồi của xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh dịp cuối năm.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa”

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa”

Chia sẻ tại phiên thứ nhất - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 19/12, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: Từ giữa năm 2022 đến cuối năm nay, những gì kinh tế Việt Nam phải đương đầu, vượt qua và đạt được không phải chỉ chúng ta mà chuyên gia nước ngoài đều nói "Việt Nam đang lội ngược dòng xoáy". “Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ liên tục đưa ra nghị quyết trong hai năm 2022-2023 để đưa kinh tế vượt qua cơn sóng gió, nhất là tác động từ bên ngoài”- TS Trần Du Lịch nói.

Theo TS Trần Du Lịch, Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng "cỗ xe tứ mã" gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh như vậy cho thấy tính linh hoạt ứng biến về chính sách và sự nỗ lực lội ngược dòng của Chính phủ. Theo đó, năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, mức này tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.

Tuy vậy thách thức giai đoạn tới vẫn còn nguyên. “Gần đây tôi gặp 1 số doanh nghiệp ngành dệt may, họ cho biết đơn hàng xuất khẩu đã trở lại. Đó là tín hiệu cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện trong 2024 nhưng dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn”- TS Trần Du Lịch nhận định.

Từ đó, ông cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa bởi đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Để kích cầu nội địa, TS Trần Du Lịch đề xuất: Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% nhưng nhiều ý kiến kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu. Theo ông, nếu giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng việc giảm này nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

Ngoài ra, theo TS Trần Du Lịch, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Theo đó, nếu gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện.

Đối với ngành du lịch, dù cũng đang linh hoạt nhiều chương trình, giải pháp kích cầu. Chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2023, Sở Công Thương, Sở Du lịch đã triển khai nhiều chương trình kích cầu nhưng chúng ta cần nhiều chương trình quốc gia để nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm. Điểm cuối cùng, để gỡ cho nền kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng khẳng định: Cần chính sách kích cầu mạnh mẽ, dứt khoát, đồng bộ. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của doanh nghiệp; chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng. Vì vậy, khi đi vào các chính sách, phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế. “Những năm trước đây, kích cầu nhưng gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế… Điều đó có nghĩa, các động lực cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công phải lan tỏa ra nền kinh tế”- ông Anh Tuấn nói.

Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP

Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP

Theo ông Anh Tuấn, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu.

Một yếu tố khác là cần khuyến khích "Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt" thực chất bằng chính sách thuế. Theo đó, việc giảm thuế GTGT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế GTGT là đóng góp nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm từ lần 6 tháng theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp.

Cuối cùng, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Đặc biệt bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-yeu-to-nao-tac-dong-toi-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-trong-nam-2024-292820.html