Những yếu tố tác động đến lợi nhuận ngân hàng năm 2021
Dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ lên nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trong năm 2021, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ xấu, nợ tái cơ cấu gia tăng về cuối năm, nhưng nhìn chung các ngân hàng tiếp tục có một năm duy trì đà tăng trưởng. Đâu là những yếu tố tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm vừa qua?Việc tích cực trích lập dự phòng trong năm 2021 không chỉ giúp kết quả kinh doanh của các ngân hàng phản ánh thực chất hơn, mà còn hạn chế những chỉ trích nhắm vào ngành ngân hàng thời gian qua về việc các ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Dù đã chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhưng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VietinBank năm 2021 vẫn vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao cho ở mức 16.800 tỉ đồng. Ảnh: N.K
Tiếp tục phân hóa
Ngay từ những ngày đầu năm nay, nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh đã sớm hé lộ kết quả lợi nhuận năm 2021 tại các buổi hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022. Đơn cử như Vietcombank, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 25.200 tỉ đồng đặt ra cho năm 2021, ngân hàng này cho biết đã hoàn thành kế hoạch, dù trong năm đã trích 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, gấp hai lần quy mô hỗ trợ năm 2020. Tuy nhiên, kết quả này chỉ tăng nhẹ so với mức lãi trước thuế 23.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Tương tự, VietinBank cũng đã chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhưng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ vẫn vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao cho ở mức 16.800 tỉ đồng. Còn Agribank đạt lợi nhuận hơn 14.000 tỉ đồng trong năm 2021, trong khi số tiền hỗ trợ khách hàng là 7.000 tỉ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng BIDV cũng cho biết lợi nhuận ngân hàng đạt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao là 13.000 tỉ đồng, dù cũng đã dành 7.900 tỉ đồng lợi nhuận hỗ trợ khách hàng. Nếu so với mức lãi trước thuế hơn 9.000 tỉ đồng của năm trước, lợi nhuận của BIDV tăng khá tốt là hơn 44%.
Trong khi nhóm NHTM gốc quốc doanh phải chia sẻ nguồn lực để hỗ trợ khách hàng, ảnh hưởng đáng kể lên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, nhóm NHTM cổ phần tư nhân lại chứng kiến sự phân hóa khá lớn về kết quả kinh doanh. Ở nhóm tăng trưởng mạnh mẽ, có thể kể đến MSB đạt lợi nhuận trước thuế 5.168 tỉ đồng, tăng vọt 110% so với năm 2020; LienVietPostBank đạt 3.638 tỉ đồng, tăng 50%; VIB lãi 8.000 tỉ đồng, tăng 38%; TPBank lãi 6.038 tỉ đồng, tăng 38%; Sacombank lãi 4.400 tỉ đồng, tăng 32%.
Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng cho thấy sự khởi sắc trở lại sau giai đoạn khó khăn những năm trước đây. Như ABBank có lãi trước thuế đạt 1.959 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2020; Bản Việt lãi 311 tỉ đồng, tăng 55%; PGBank lãi 329 tỉ đồng, tăng mạnh 55%; Bắc Á Bank lãi 908 tỉ đồng, tăng 24%; Saigon Bank lãi 154 tỉ đồng, tăng 27%. Ngược lại, ở chiều đi xuống chứng kiến EIB giảm 18% lợi nhuận trước thuế xuống còn 1.100 tỉ đồng, NCB lãi vỏn vẹn 2,3 tỉ đồng, giảm hơn 38% so với năm 2020.
Có thể thấy lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng đã công bố cho thấy trong khi có những ngân hàng vẫn duy trì được phong độ, lại có ngân hàng ghi nhận sụt giảm mạnh, thậm chí chỉ còn lãi vài tỉ đồng.
Những yếu tố tác động
Đầu tiên phải kể đến việc các ngân hàng tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021, không chỉ cho nợ xấu gia tăng mà còn cho các khoản vay tái cơ cấu, do Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã yêu cầu các ngân hàng phải trích lập tối thiểu 30% đối với nợ tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay trong năm 2021. Hệ quả là nhiều ngân hàng chứng kiến con số trích lập dự phòng khá lớn vào cuối năm và ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận quí 4 nói riêng và cả năm 2021 nói chung.
Cụ thể, trong năm 2021, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của LienVietPostBank tăng vọt 89% lên hơn 1.300 tỉ đồng so với năm 2020. Hay như TPBank phải trích lập hơn 2.900 tỉ đồng, tăng 63%, còn ABBank cũng tăng trích lập 34% lên con số 685 tỉ đồng. Thậm chí nhiều ngân hàng vì dồn trích lập vào cuối năm đã khiến quí 4 phải ghi nhận lỗ, như SaiGon Bank trích lập gần 113 tỉ đồng nên lỗ hơn 40 tỉ đồng, còn Bản Việt trích lập gần 128 tỉ đồng kéo quí 4 lỗ hơn 74 tỉ đồng.
Ngoài ra, trường hợp tại NCB trích lập riêng trong quí 4 là 423 tỉ đồng, trong đó phần lớn là các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc lên đến 326 tỉ đồng, dẫn đến lỗ trước thuế quí 4 hơn 203 tỉ đồng. Tương tự, lợi nhuận của Bắc Á Bank và PGBank cũng đi lùi trong quí 4 do phải tăng gấp đôi, gấp ba dự phòng rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên, việc tích cực trích lập dự phòng trong năm 2021 có lẽ là điều cần thiết đối với các ngân hàng, không chỉ giúp kết quả kinh doanh của các ngân hàng phản ánh thực chất hơn, mà còn hạn chế những chỉ trích nhắm vào ngành ngân hàng thời gian qua về việc các ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Thứ hai là cũng giúp các ngân hàng gia tăng bộ đệm dự phòng như là một “của để dành” cho tương lai khi thu hồi, xử lý được các khoản nợ này. Như BIDV đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Còn tỷ lệ này tại Vietcombank đã đạt kỷ lục 424%, cao nhất ngành ngân hàng, theo đó ngân hàng này đã trích lập đủ cho nợ cơ cấu vì Covid-19 trước hai năm so với thời hạn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank cũng cải thiện hết sức tích cực ở mức 171%, tiếp tục lên mức cao hơn so với năm 2020.
Đáng lưu ý là dù các ngân hàng đã phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng cũng như phục vụ cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2021, nhưng tăng trưởng tín dụng cao đã phần nào bù đắp lại được phần lợi nhuận bị mất đi này. Dù nhu cầu vay vốn trong năm 2021 khá chậm trong những tháng đầu năm, nhưng càng về cuối năm hoạt động tín dụng của các ngân hàng càng sôi động hơn, cá biệt có những ngân hàng đã ngược dòng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ đầu năm và liên tiếp được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm.
Có thể thấy nhóm tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng nằm trong nhóm đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, như LienVietPostBank và TPBank đều có mức tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2021, trong khi Bản Việt là 16%. Ở nhóm NHTM gốc quốc doanh, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 15%, VietinBank 12,3% còn BIDV cũng tăng 11,8% lên mức 1,33 triệu tỉ đồng.
Ở mảng dịch vụ chứng kiến sự chuyển dịch quan trọng từ các nguồn thu, trong đó đóng góp lớn nhất là phí thu từ hoạt động bảo hiểm và thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh năm vừa qua đã làm thay đổi hành vi giao dịch của khách hàng. Đơn cử như ngân hàng có hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ nhất trong những năm qua là TPBank đã chứng kiến lãi từ hoạt động dịch vụ năm 2021 lên đến hơn 1.500 tỉ đồng, tăng mạnh 65% so với năm trước. Con số này cũng đóng góp hơn 25% lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này. Hay như ABBank cũng chứng kiến mảng thu dịch vụ tăng trưởng đến 81%, còn PGBank là 61%.
Các hoạt động khác cũng ghi nhận thu nhập tăng trưởng mạnh mẽ. Như ở hoạt động kinh doanh ngoại hối, LienVietPostBank ghi nhận lãi thuần tăng 124%; ABBank tăng 36% còn SaiGonBank và Bắc Á Bank tăng tương ứng là 27% và 24%, dù thị trường ngoại hối trong năm qua tiếp tục được kiểm soát ổn định với tiền đồng có những thời điểm bất ngờ tăng giá so với đô la Mỹ.
Hay như ở hoạt động đầu tư chứng khoán, hầu hết các ngân hàng đều chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ khi mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ trong năm qua tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, thúc đẩy nhiều ngân hàng chốt lời các trái phiếu đã đầu tư ở mức lãi suất cao những năm trước đây. Như Bắc Á Bank có lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng vọt 262%, PGBank tăng 167% và TPBank tăng 98%.
Thụy Lê