Ukraine và phương Tây họp để đàm phán về cuộc chiến với Nga: Cơ hội mong manh
Các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu sẽ họp tại London vào hôm nay (23/4) để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine nhưng cơ hội đạt được đột phá có vẻ rất mong manh sau khi hầu hết các bộ trưởng ngoại giao rút lui, bất chấp áp lực của Mỹ.

Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã hủy chuyến đi tới London và một cuộc họp dự kiến có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao từ Anh, Ukraine, Pháp và Đức cũng đã bị hoãn lại.
Một quan chức châu Âu cho biết Rubio đã bày tỏ lo ngại Ukraine có thể quay lại với lập trường cứng rắn trước đây, khiến bất kỳ bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán đều trở nên bất khả thi.
Việc hạ cấp các cuộc đàm phán diễn ra bất chấp cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington có thể bỏ cuộc nếu không sớm đạt được tiến triển. Donald Trump hy vọng Moscow và Kiev sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này để chấm dứt cuộc xung đột.
Rất ít nhà ngoại giao coi điều đó là thực tế vì vẫn còn những khoảng cách đáng kể.
Rubio đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy vào cuối ngày 22/4 và cho biết ông mong muốn được lên lịch lại chuyến đi của mình trong những tháng tới.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết quyền quyết định trong các cuộc đàm phán đang ở trong tay Nga. “Chúng tôi rõ ràng ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm mang lại hòa bình và lời kêu gọi của Ukraine về việc Nga cam kết ngừng bắn hoàn toàn”.
Đặc phái viên của Donald Trump, Steve Witkoff không tham gia các cuộc đàm phán ở London. Nhưng theo lộ trình ngoại giao song song của Washington với Moscow, ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần này tại Nga, Nhà Trắng cho biết.
Cuộc họp ở London là cuộc họp tiếp theo sau phiên họp tương tự ở Paris tuần trước, nơi các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu thảo luận về các cách thức đạt được hòa bình. Đặc phái viên của Donald Trump về Ukraine, Tướng Keith Kellogg vẫn sẽ ở London để đàm phán.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết mục tiêu tuần trước là để người Mỹ, châu Âu và Ukraine đưa ra lập trường chung bằng cách cố gắng đưa Washington đến gần hơn với lập trường của châu Âu và Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết một số đề xuất của Washington là không thể chấp nhận được đối với các nước châu Âu và Kiev, khiến các bên bị chia rẽ.
Tuần trước, Rubio cho biết khuôn khổ của Mỹ mà ông và Witkoff đề xuất tại Paris đã nhận được sự đón nhận tích cực. Nhưng các nguồn tin cho biết trong số các đề xuất có công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, một động thái không được châu Âu và Ukraine chấp nhận.
Các nhà ngoại giao cho biết, ngoài Crimea, vẫn còn nhiều điểm bất đồng lớn khác, bao gồm việc Nga thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với nước này trước khi các cuộc đàm phán kết thúc, điều mà châu Âu kiên quyết phản đối.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết các cường quốc châu Âu đã nêu chi tiết với Mỹ về những gì họ coi là khía cạnh không thể thương lượng của thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga, làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận trong tuần này.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, tuần trước Mỹ đã đề xuất thành lập một khu vực trung lập tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine do Nga chiếm đóng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để khôi phục nhà máy hiện không hoạt động này.
Một số ý tưởng của Washington cũng có thể khiến Moscow không hài lòng. Hai nhà ngoại giao cho biết Mỹ không thúc đẩy yêu cầu của Nga về phi quân sự hóa Ukraine và không phản đối lực lượng châu Âu như một phần của các đảm bảo an ninh trong tương lai cho Ukraine.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Donald Trump đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ, gây sức ép buộc Ukraine đồng ý ngừng bắn trong khi nới lỏng nhiều biện pháp mà chính quyền Biden đã thực hiện để trừng phạt Nga.
Tổng thống Mỹ đã nhiều lần khẳng định ông muốn làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Ukraine vào tháng 5, với lý do Mỹ phải chấm dứt cuộc xung đột đã giết chết hàng chục nghìn người và có nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và nước Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.