Nhượng quyền ra nước ngoài, xu hướng mới của doanh nghiệp
Trong thời gian qua, làn sóng nhượng quyền của các thương hiệu nước ngoài tại thị trường Việt Nam rất sôi động, nhưng ở chiều ngược lại thương hiệu Việt ra nước ngoài để nhượng quyền còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi các kênh đầu tư đang bị thu hẹp thì nhượng quyền đã trở thành kênh đầu tư mới, rất thiết thực cho nhiều nhà đầu tư.
Tháng 10/2023, 3 doanh nghiệp (DN) gồm Phúc Tea, Care With Love và PhởS đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhượng quyền cho đối tác tại Philippines. Trong đó, Phúc Tea là mô hình nhượng quyền trà sữa với nguyên vật liệu trà thuần Việt. Tính đến nay, Phúc Tea đã kinh doanh tại thị trường Việt Nam 6 năm và hiện có 140 chi nhánh trên toàn quốc, trong đó 80% là chi nhánh nhượng quyền.
Còn với Care With Love, đây là mô hình nhượng quyền dịch vụ chăm sóc mẹ và bé đã có mặt trên thị trường 11 năm. Đặc biệt, PhởS là mô hình dựa trên nền tảng phở sâm Ngọc Linh, dù mới thành lập vào đầu năm 2023, nhưng PhởS cũng đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia, sau khi vừa có hợp đồng với đối tác Philippines.
Care With Love sẽ cùng đối tác mở cửa hàng đầu tiên tại Philippines vào cuối năm 2023. PhởS và Phúc Tea cũng sẽ cùng đối tác mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên vào quý I/2024. Theo các DN, lý do để đối tác Philippines ký hợp đồng nhượng quyền là vì các mô hình này độc đáo, như: PhởS ngoài nguyên liệu là những vị truyền thống, đây cũng là mô hình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng sâm để nấu phở. Còn Phúc Tea sử dụng các vị trà đặc biệt ở Việt Nam cũng như chế biến nhiều loại đồ uống tạo xu hướng trong thời gian qua...
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Go Global Holdings khẳng định, nhượng quyền ra nước ngoài sẽ là xu hướng thời gian tới. Nếu như năm 2017, thị trường nhượng quyền thế giới đạt khoảng 2.400 tỷ USD, đến 2023 tăng lên 2.900 tỷ USD, dự đoán đến năm 2027 sẽ tăng lên khoảng 4.300 tỷ USD. Năm 2023 tốc độ tăng trưởng của ngành nhượng quyền so với năm 2022 khoảng 8,9%, đây là mức tăng rất lớn so với nhiều ngành đang suy thoái trong khủng hoảng kinh tế.
Chính vì vậy trong giai đoạn “cửa sổ vàng”, thương hiệu nào của Việt Nam đang nhượng quyền thì phải bắt ngay cơn sóng này để làm thật nhanh, thật nhiều thị trường. Còn thương hiệu nào đang suy nghĩ thì phải ngay lập tức lên kế hoạch xây dựng nền tảng, chuẩn bị nhân sự để bắt đầu nhượng quyền. Bởi, DN đầu tiên lướt trên con sóng nhượng quyền thì sẽ được chú ý nhiều nhất, được các đối tác nhượng quyền tìm đến nhất, đặc biệt là đối tác quốc tế.
Trong khi các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines... đều là những thị trường phát triển cực mạnh về nhượng quyền. Như Malaysia, nhượng quyền rất mạnh những ngành như thời trang, sức khỏe và làm đẹp… chi nhánh nhượng quyền của họ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, thị trường Việt Nam còn rất non trẻ về nhượng quyền, chỉ có vài thương hiệu nhượng quyền thành công ra nước ngoài như: T&T (sản phẩm giày, dép da, túi xách da thời trang), cửa hàng cà phê Bobby Brewers, Phở 24… Tuy nhiên, trong thời gian tới, với giai đoạn “cửa sổ vàng” sẽ tạo cơ hội rất lớn cho những thương hiệu và DN Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để bước ra thế giới.
Vậy những ngành nào của Việt Nam sẽ có lợi thế khi phát triển nhượng quyền, theo bà Nguyễn Phi Vân, đó là 3 ngành mũi nhọn rất có tiềm năng gồm: ẩm thực; dệt may, da giày và công nghệ. Theo phân tích của bà Vân, nông sản Việt Nam phần lớn là xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng không cao.
Thực tế, DN Việt XK trà sang Đài Loan và họ chế biến thành trà sữa. Trà sữa Đài Loan đã được bán nhượng quyền khắp thế giới với giá trị cao từ 30-70 lần so với giá trà thô của Việt Nam bán cho họ để làm nguyên liệu. Vì vậy, ẩm thực Việt có thế mạnh khai thác tài nguyên bản địa, là một trong những ngành có tiềm năng nhất để nhượng quyền ra thế giới. Điều cần làm là các DN cần phải xây dựng cho được chuỗi giá trị của nông sản, không còn tình trạng bán sản phẩm thô nữa.
Còn với ngành dệt may, da giày, bàn ghế... từ trước giờ DN Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện việc gia công theo yêu cầu của các thương hiệu lớn trên thế giới, các sản phẩm này sẽ được các thương hiệu lớn bán ra với giá trị cao hơn rất nhiều lần so với giá gia công. Điều này cho thấy, DN Việt Nam có khả năng tạo ra được thương hiệu cho mình nhưng từ trước giờ hầu như DN không làm, đây là ngành cực kỳ tiềm năng...
Nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài giúp DN mở rộng hệ thống kinh doanh, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và bán được nguyên liệu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cơ hội đã có nhưng quan trọng nhất vẫn là nội lực, khả năng của DN nắm bắt cơ hội này như thế nào. “Từ PhởS cho thấy, không phải lúc nào DN cũng phải đợi công ty mình lớn, có rất nhiều chi nhánh ở Việt Nam rồi thì mới đi nhượng quyền quốc tế, mà DN phải xác định rõ chiến lược của mình và tùy vào thời điểm DN quyết định nhượng quyền nội địa hay quốc tế”, bà Vân nói.