Nhượng quyền thương mại không chỉ đơn thuần là nhượng quyền tên
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Quang Đạo, Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định điều kiện đối với bên nhượng quyền như sau: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.
Ông Đạo hỏi, trong trường hợp nhượng quyền tên thương mại mà tên thương mại nhượng quyền này đã được đổi tên thành một tên thương mại khác thì điều kiện trên được tính từ thời điểm nào, tính từ thời điểm hoạt động của tên thương mại cũ hay từ thời điểm hoạt động của tên thương mại mới (sau đổi tên).
Ví dụ: Tên thương mại COCO đăng ký kinh doanh từ 10/10/2011, đã đăng ký lại mẫu dấu và được đổi tên thành BITEA từ ngày 10/10/2018. Doanh nghiệp thực hiện nhượng quyền tên thương mại BITEA thì sẽ áp dụng thời điểm nào (ngày hoạt động tên cũ là 10/10/2011 hay ngày hoạt động của tên mới 10/10/2018) để xem xét điều kiện cấp quyền thương mại theo quy định nêu trên.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định tại các văn bản pháp lý sau: Luật Thương mại năm 2005; Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại; Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.
Do vậy, đề nghị Công ty dẫn chiếu các văn bản pháp lý nêu trên để tìm hiểu về các quy định liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại.
Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại thì: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong điều hành công việc kinh doanh”.
Như vậy, nhượng quyền thương mại không chỉ đơn thuần là nhượng quyền tên thương mại. Thông tin ông Nguyễn Quang Đạo đưa ra chưa đủ thông tin và cơ sở để xác định tính liên tục của hoạt động nhượng quyền để xác định được sự phù hợp với điều kiện quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP.