Đại biểu Quốc hội tin tưởng tăng trưởng GDP đạt 7%

Năm 2024, dự kiến nền kinh tế sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, với tăng trưởng GDP ước đạt 6,8-7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%... Theo các đại biểu Quốc hội, đây là những con số vượt mong đợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, thách thức.

Tin tưởng hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu năm 2024

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), ước tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) bổ sung: “Tới hết quý IV/2024, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được 15/15 chỉ tiêu. Vì theo dự báo quý IV chúng ta sẽ đạt tăng trưởng khoảng 7,4 - 7,5% thì tăng trưởng GDP cả năm đạt 7% và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 4.700 USD theo kế hoạch, từ mức 4.647 USD hiện nay”.

“Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82% và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng cả năm vượt 7%, tôi đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ, thể hiện sự phấn đấu rất cao trong những tháng còn lại trong năm nay”, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) tin tưởng, đồng thời cho rằng để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu, đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Với các kết quả tích cực đạt được và dự báo xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 có thể đạt trên 800 tỷ USD, đại biểu Sinh cho rằng, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp này đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, vị đại biểu lưu ý đối với khu vực kinh tế trong nước, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao cho thấy còn nhiều khó khăn. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội”, đại biểu Sinh nhấn mạnh.

Cùng mối lo lắng về phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh hiện đã thông thoáng hơn rất nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro gặp phải, từ điều kiện kinh doanh đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn khó thực thi... “Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh và phát sinh nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp, như gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức… Điều này cũng dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn” trong thời gian qua”, theo đại biểu Tân.

Các đại biểu thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Các đại biểu thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn

Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, một trong những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ đặt ra là tăng trưởng GDP đạt từ 6,5-7%, phấn đấu đạt ở mức cao hơn (7-7,5%), đồng thời đưa ra 11 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu.

Đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp thứ nhất (ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới), đại biểu Trần Hoàng Ngân dành nhiều thời gian phân tích về các động lực tăng trưởng truyền thống. Trong đó về xuất khẩu, tuy tiếp tục tăng trưởng tích cực nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực trong nước còn thấp. Vì vậy, ông cho rằng cần có chính sách, giải pháp để kết nối khu vực FDI với các doanh nghiệp trong nước, có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện…

Về đầu tư, mặc dù tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng lên, nhưng khu vực tư nhân trong nước tăng thấp, do đó cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.

Trong khi đó, tiêu dùng nội địa tuy đã có sự phục hồi tích cực trong thời gian qua nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch. “Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…”, vị đại biểu nói, đồng thời đề xuất cần “đánh thức”, phát triển 3 động lực nội sinh gồm: Khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. “Nhìn từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên… đây là những thế mạnh của Việt Nam và ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, trí tuệ Việt, từ nông sản, thủy sản tới các sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin; quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ, thông qua khuyến khích phát triển du lịch.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tin-tuong-tang-truong-gdp-dat-7-157500.html