Ni sư hái hoa, sư tăng đá bóng sau giờ học căng thẳng ở HV Phật giáo Việt Nam

Một ngày của các tăng ni tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu từ 4h sáng với nhiều hoạt động học tập và rèn luyện thể chất.

Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) là trung tâm đào tạo và giáo dục tăng tài của cả nước.

Học viện bao gồm các khu: Quảng trường, tượng đài, đại giảng đường, giảng đường, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, ký túc xá, nhà khách, bãi đỗ xe, sân vận động.

Học viện còn có khu bảo tháp viên quang - nơi để tưởng nhớ Hòa thượng Thích Thanh Tứ - thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội - người có công xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở Hà Nội.

Học viện Phật giáo Việt Nam ngoài đào tạo cử nhân hệ chính quy còn các hệ tại chức, cao đẳng, chuyên tu ngắn hạn cho các tăng ni sinh và các cư sĩ muốn nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước với các học vị cử nhân Phật học, tương lai sẽ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Phật học. Nội dung học các môn có liên quan đến Phật giáo như triết học, sử học, văn học, ngoại ngữ, chú trọng đào tạo triết học Phật giáo.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là học viện đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đào tạo Phật học của giáo hội Phật giáo Việt Nam. Học viện có chức năng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo tăng ni thế hệ trẻ ở bậc đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu của giáo hội, nhằm có một thế hệ Phật tử có kiến thức, có đức hạnh để tinh tiến, đảm nhận trọng trách truyền bá Phật pháp, phục vụ lợi ích dân sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc. Những năm qua, Học viện Việt Nam tại Hà Nội đào tạo trên 1.500 cử nhân Phật học, 400 tăng ni có trình độ cao đẳng, đang đào tạo tiếp 500 cử nhân Phật học và 80 thạc sĩ, 20 tiến sĩ…

Một ngày của các tăng, ni sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội bắt đầu từ 4h sáng. Sau 1 hồi 3 tiếng chuông khai tĩnh, tất cả tăng, ni sinh thực hành khóa lễ sáng. Tại đây, sẽ có một vị ni trưởng hoặc tăng trưởng cầm một chiếc thước để giám sát các tăng ni sinh xem họ ngồi thẳng chưa. Nếu trong khóa lễ buổi sáng, các tăng, ni sinh ngồi chưa chuẩn sẽ được uốn cho thật thẳng lưng. Sau đó, các tăng, ni sẽ ra sân tập trung làm lễ chào cờ (nếu là thứ 2 đầu tuần), sau đó họ tập thể dục và tiểu thực.

Đến 6h45, tăng ni sinh lên giảng đường học đến 11h15.

Từ 11h30 là thời điểm thụ trai (ăn trưa). Sau đó, các tăng, ni sinh về ký túc xá nghỉ ngơi. 13h chiều các tăng, ni sinh tiếp tục lên giảng đường. Và kết thúc buổi họp bằng khóa lễ chiều vào 17h45 hàng ngày.

Kết thúc ca học buổi chiều là hoạt động thể thao, các tăng, ni sinh có thể chọn các môn thể thao yêu thích như đá cầu, đá bóng.

Nếu không phải hôm được phân công nhặt cỏ, các ni sư có thể ra vườn lấy các hạt hoa đã chín già, đem gieo ở nơi khác để tiếp tục có một vườn hoa rực rỡ.

19h, các tăng, ni tự ôn bài. Để đảm bảo triển khai nội dung chương trình giáo dục đào tạo của học viện cũng như tạo sự yên tâm tu học của tăng, ni sinh, học viện đã bảo đảm miễn phí 100% kinh phí ăn ở và 90% kinh phí đào tạo của tăng, ni sinh trong suốt thời gian tu học.

Tình Lê

Ảnh: LAD

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/ni-su-hai-hoa-su-tang-da-bong-sau-gio-hoc-cang-thang-o-hv-phat-giao-viet-nam-578956.html