Ni trưởng Huỳnh Liên - Bóng huỳnh y giữa thời hoa lửa
Tọa lạc trong một con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, tịnh xá Ngọc Phương là nơi lưu dấu một thời đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước của Ni giới Khất sĩ dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên.
Ngày nay, sau 50 năm non sông liền một dải, chốn xưa vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Một số đệ tử cùng cận kề với Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên trong thời tranh đấu nay cũng ngoài 80, nhưng những ký ức qua suốt nửa thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên.

Chân dung Ni trưởng Huỳnh Liên
Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh 19-3-Quý Hợi (1923) tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, Định Tường (nay thuộc Tiền Giang), trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Vận, pháp danh Thiện Trí. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thảo, về sau xuất gia thọ Tỳ-kheo-ni pháp danh là Thiện Liên.
Thiếu thời, cô Nguyễn Thị Trừ được gia đình cho học đến hết chương trình trung học tại quê nhà; sau vì không đủ điều kiện, lại thêm phải lo việc học cho 4 người em gái, việc học phải dở dang. Thời điểm đó, cậu ruột của cô Trừ là Lê Quý Đàm, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hà Nội, tham gia hoạt động cách mạng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương đã trở về quê, xây dựng cơ sở và sống bằng nghề gia sư. Cô Trừ được học kiến thức với cậu và cũng sớm tiếp cận với tư tưởng Marxist.
Trưởng thành trong hoàn cảnh biến động của đất nước, khi phong trào cách mạng bùng nổ vào năm 1945, Nguyễn Thị Trừ tham gia giành chính quyền cùng với nhân dân địa phương. Khi thực dân Pháp trở lại, để bảo toàn lực lượng, cách mạng tạm rút vào chiến khu, cô cũng tạm thời gác mọi mối liên hệ trở về với am tranh của người dì ở làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, Định Tường (nay là Tiền Giang).
Ni trưởng Huỳnh Liên là một trong 60 đại biểu có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975-2025 vừa được tôn vinh nhân Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 (1975-2025).
Vốn tâm niệm ưa thích việc tu trì, luôn mang chí trượng phu, vào năm 24 tuổi, không bỏ lỡ cơ duyên, sau một thời gian học đạo, cô Nguyễn Thị Trừ cùng hai bạn đồng tu (sau này là Ni trưởng Bạch Liên và Ni trưởng Thanh Liên) được Tổ sư Minh Đăng Quang thế độ vào ngày 1-4-Đinh Hợi (1947) tại chùa Linh Bửu (Phú Mỹ, Mỹ Tho, Tiền Giang) với pháp danh Huỳnh Liên.
Buổi đầu mới xuất gia, vừa học đạo, vừa được sự ủy thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni cho Hệ phái Khất sĩ. Đến năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ni trưởng kế thừa sự nghiệp, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni giới Khất sĩ trong vai trò Đệ nhất Ni trưởng giáo đoàn Ni.
Suốt cuộc đời vì đạo, vì nhơn sanh, thanh bần giản dị, nhu yếu về ăn, mặc, ở, đơn sơ. Phút giây nào Ni trưởng cũng vận dụng trí tâm, nỗ lực giáo hóa môn đồ. Vốn có thiên phú về thơ ca văn học, thương Ni chúng và nam nữ Phật tử khó lãnh hội được ý nghĩa súc tích thâm sâu của Kinh tạng chữ Hán và Pāli, Ni trưởng chủ trương Việt hóa bằng cách diễn dịch các kinh trên ra chữ Quốc ngữ, thể văn vần cho dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Một số kinh tụng thường nhựt được Ni trưởng diễn dịch để quần chúng dễ tiếp cận lời Phật.

Ni trưởng tích cực vận động chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào xuống đường, đấu tranh đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình, độc lập Dân tộc và trường tồn Đạo pháp
Trước cảnh chết chóc của nhân dân đồng bào, trong đó có tín đồ Phật giáo chịu nhiều áp bức bất công, đau khổ, xã hội ngày càng xuống dốc, Ni trưởng đã lãnh đạo hàng Ni giới Khất sĩ đấu tranh. Ni trưởng tích cực vận động chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào xuống đường, đấu tranh đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình, độc lập Dân tộc và trường tồn Đạo pháp.
Từ năm 1958, Ni trưởng kiến tạo tịnh xá Ngọc Phương, trung tâm của Ni giới Khất sĩ. Năm 1963, với tư cách là người đứng đầu Ni giới Khất sĩ, Ni trưởng đã lãnh đạo Ni giới trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và các quyền dân sinh, dân chủ của Phật giáo, cùng với học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn-Gia Định. Đặc biệt, mốc thời gian đánh dấu cho bước phát triển toàn diện các hoạt động yêu nước của Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, đó là việc Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, được ra mắt tại chùa Ấn Quang ngày 2-8-1971, trụ sở của phong trào đặt tại tịnh xá Ngọc Phương. Các năm tiếp sau, Ni trưởng tiếp tục tham gia thành lập Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình do ông Đặng Văn Ký làm Chủ tịch.

Ni trưởng Huỳnh Liên tham gia xuống đường đấu tranh
Là người thông tuệ và có nhiều sáng kiến, Ni trưởng đã nhiều lần tổ chức thành công các cuộc lễ “Xuống tóc vì hòa bình” vào ngày 18-10-1970; mít-tinh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày 25-10-1970; mít-tinh ra Tuyên ngôn 10 điểm về hòa bình của Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình ngày 7-11-1970; triển khai thành lập chi nhánh Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tại Cần Thơ, Trà Vinh ngày 22-11-1970; cùng phối hợp với các phong trào khác tổ chức biểu tình đòi thả tù nhân chính trị ngày 1-1-1971; phối hợp với phụ nữ quốc tế lên án chiến tranh, vận động hòa bình ngày 5-1-1971.
Từ năm 1971, địch đàn áp khốc liệt, bắt giam lãnh đạo của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình. Các phong trào mất người lãnh đạo, do đó Ni trưởng đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, tiếp tục cùng các đoàn thể khác đấu tranh bằng những biện pháp hết sức thông minh, linh hoạt, cũng như nuôi giấu cán bộ, ủng hộ giúp đỡ tài, vật cho các cơ sở cách mạng.

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ được trao cho Ni trưởng Huỳnh Liên
Cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, phong trào đấu tranh tiếp tục diễn ra sôi động với mục tiêu rõ rệt là đòi dân quyền, dân sinh, dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chính trị, thi hành Hiệp định Paris, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Đặc biệt trong thời gian cuối năm 1974, đầu năm 1975, trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là giai đoạn gay go, gian khổ và khó khăn nhất cho Ni trưởng, vừa bị địch bao vây, cô lập, hăm dọa vừa bị địch len lỏi vào nội bộ tuyên truyền lung lạc chư Ni và tín đồ. Ni trưởng phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để lèo lái, vượt qua thử thách khó khăn, kiên định tinh thần, giữ khí tiết vô úy và lợi tha.
Lúc bấy giờ hoàn cảnh đất nước chiến tranh ngày càng khốc liệt, đồng bào ở thôn quê bị mất mùa, vườn ruộng tiêu hoang, lâm cảnh đói nghèo, bệnh tật triền miên lại thêm nạn hỏa tai, lụt lội. Ni trưởng đã vận động Ni chúng và Phật tử nhịn ăn, nhịn mặc, góp phần ủng hộ tài vật giúp đồng bào, xoa dịu niềm đau. Ni trưởng lại còn nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mở trường dạy học từ thiện, ủy lạo các bệnh viện, và khuyên nhắc Phật tử bố thí, giúp đỡ đồng bào khốn khổ. Cô nhi viện Nhất Chi Mai bên cạnh tịnh xá Ngọc Uyển (Biên Hòa) là cơ sở từ thiện Trung ương của Ni giới Khất sĩ và một số chi nhánh cô ký nhi viện tại các tịnh xá khác ở tỉnh thành như Ngọc Ninh (Ninh Thuận).

Huân chương Độc lập được trao cho Ni trưởng Huỳnh Liên
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, nhưng dân tộc vẫn chưa vơi cảnh khổ, nỗi lòng người tu vẫn nặng trĩu ưu tư. Do vậy, Ni trưởng tiếp tục tích cực vận động chư Ni, Phật tử nỗ lực đóng góp dài hạn để thực hiện tốt các việc xã hội, như việc ủng hộ xây dựng hậu phương quân đội, phúc lợi cho tuyến đầu Tổ quốc, đoàn kết tương trợ người già và thiếu niên tàn tật… bằng hành động cụ thể là đi viếng thăm, an ủi, tặng quà các cơ sở an sinh xã hội.
Sau khi Giáo hội thành lập năm 1981, Ni trưởng tham gia làm Ủy viên Kiểm soát T.Ư GHPGVN, nhiệt tâm đóng góp khá nhiều tài vật, ủng hộ việc thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam Cơ sở II tại TP.HCM, khuyến khích, sách tấn tạo điều kiện cho chúng Ni biết trưởng dưỡng thiện căn, trau dồi trí tuệ, để hoằng dương Chánh pháp.
Những năm cuối đời, sức khỏe kém dần, Ni trưởng vẫn không xao lãng chí nguyện độ sanh, giáo dưỡng chúng Ni, xiển dương Phật pháp. Trước lúc viên tịch, Ni trưởng đã ân cần nhắc nhở chư Ni nỗ lực tu hành. Vào lúc 16 giờ 20, ngày 16-4-1987 (nhằm ngày 19-3-Đinh Mão), Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên thuận tịch, hưởng 65 tuổi thọ, 41 hạ lạp.

Tịnh xá Ngọc Phương, trụ sở Ni giới Khất sĩ
Với những đóng góp lớn lao, Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên đã được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.