Niềm hy vọng cho những trẻ em bị tước quyền sống một đời bình thường
Nhiều trẻ dị tật nặng vùng tiết niệu - sinh dục hoàn toàn bị tước quyền sống một cuộc đời bình thường, không thể đến trường hay hòa nhập xã hội.
Trong 2 ngày (10-11/11), các chuyên gia hàng đầu thế giới đã có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương để bàn về phẫu thuật cho trẻ dị tật tiết niệu - sinh dục, nhóm dị tật có thể khiến trẻ nhỏ tổn thương lâu dài về thể chất và tinh thần. Đây là lần đầu tiên một hội nghị quốc tế về phẫu thuật - phục hồi chức năng dị tật tiết niệu - sinh dục được tổ chức tại bệnh viện này.
Theo các chuyên gia, dị tật tiết niệu và sinh dục không hiếm gặp nhưng chúng thường xuyên trở thành một chủ đề khó đề cập, với ngay cả bệnh nhi và gia đình. Nhiều trẻ em, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, đã âm thầm chịu đựng sự dày vò của những dị tật “tế nhị” này suốt thời gian trưởng thành. Nỗi đau đến từ cả thể chất của bản thân lẫn dị nghị của xã hội. Chúng trở thành các di chứng tinh thần lâu dài.
Ở các dạng dị tật nặng hơn, nhiều em hoàn toàn bị tước quyền sống một cuộc đời bình thường, không thể đến trường hay hòa nhập xã hội. Ngoài chi phí, kỹ thuật thực hiện các ca mổ cũng là một thách thức mà bệnh nhi và nhiều bác sĩ điều trị tại Việt Nam phải đối mặt.
Tại hội nghị, các chuyên gia hàng đầu thế giới từ Italia, Anh, Pháp và Australia, cùng các bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam đã báo cáo về cơ chế bệnh sinh, tổn thương giải phẫu và các phương pháp phẫu thuật hiện đại cho nhóm dị tật sinh dục tiết niệu phức tạp.
PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Những dị tật như bàng quang lộ ngoài, ổ nhớp lộ ngoài và những biến thể của nó là những dị tật vô cùng phức tạp cho các phẫu thuật viêm tiết niệu, phẫu thuật viên tiêu hóa, phẫu thuật viên chỉnh hình. Để làm sao phục hồi được chức năng giải phẫu cũng như tìm được chức năng sống và đặc biệt chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật là chặng đường dài. Tôi đánh giá cao sự hợp tác của Chương trình Thiện Nhân và những người bạn trong hơn 10 năm qua với các chuyên gia nước ngoài đã phẫu thuật mang lại kết quả tốt cho các cháu. Hội nghị này là diễn đàn quan trọng để chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra những giải pháp để những dị tật phức tạp không còn là bài toán khó".
Cũng tại hội nghị, bác sĩ Roberto De Castro, người từng là Phẫu thuật viên trưởng khoa Nhi của Ospedale Maggiore di Bologna, một trong những bệnh viện hàng đầu Italia, chia sẻ: “Nhưng mơ ước của người thầy thuốc, tôi cũng như các đồng nghiệp tại Việt Nam, không phải là hàng nghìn ca phẫu thuật, mà là tất cả mọi đứa trẻ chịu dị tật có thể được chữa lành”. Vì vậy, ông đánh giá buổi hội nghị nhằm chia sẻ kỹ thuật mới rất ý nghĩa với cá nhân mình cũng như các bác sĩ tham dự.
Từ năm 2011, bác sĩ Roberto De Castro đã phối hợp với nhiều bệnh viện trong nước, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương, thăm khám và phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ em chịu khuyết tật cơ quan sinh dục tại Việt Nam.
Do đó, các kiến thức mà bác sĩ Roberto De Castro và các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội nghị không thuần túy là lý thuyết, mà còn mang thực tiễn lâm sàng tại Việt Nam.
Đặc biệt, các báo cáo viên không chỉ chia sẻ lý thuyết thuần túy. Trong buổi sáng hai ngày 10 và 11/11, các chuyên gia quốc tế đã thực hiện 4 ca phẫu thuật điển hình cho trẻ bị lỗ tiểu lệch thấp và bàng quang lộ ngoài, trước sự quan sát của các đồng nghiệp và chuyên gia tham dự.