Niềm hy vọng của những cô gái coi mặc váy là 'điều xa xỉ'

Với những cô gái mắc bạch biến, ước mơ đôi khi chỉ là được mặc váy. Giấc mơ của họ có thể trở thành hiện thực nhờ các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Vào tháng 5, thông tin Bệnh viện Da liễu Trung ương là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam có thể thực hiện thành công phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến được nhiều người quan tâm. Bởi đến nay, căn bệnh này vẫn chưa thể chữa trị dứt điểm.

ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương - là người trực tiếp đem phương pháp này về Việt Nam và nhiều năm gắn bó với bệnh nhân bạch biến.

 ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương - trong một ca ghép tế bào thượng bì tự thân cho bệnh nhân bạch biến. Ảnh: Phạm Thắng.

ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương - trong một ca ghép tế bào thượng bì tự thân cho bệnh nhân bạch biến. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhiều lần từ chối bệnh nhân vì không có thuốc chữa

- Ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy điều trị bệnh bạch biến được Bệnh viện Da liễu Trung ương thực hiện từ khi nào?

- Bệnh bạch biến có nhiều phương pháp điều trị như thuốc bôi, uống, ánh sáng trị liệu,... nhưng có tới 30% bệnh nhân thất bại. Nhiều bệnh nhân tìm đến, chúng tôi đành từ chối vì gần như không có thuốc chữa, họ phải sống chung với căn bệnh ấy cả đời. Điều đó khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều, thôi thúc cần tìm các phương pháp mới, đột phá hơn.

Sau này, tôi được biết tới phương pháp ghép tế bào thượng bì tự thân với tỷ lệ thành công rất cao trên thế giới. Chúng tôi bắt đầu thực hiện những ca đầu tiên cách đây 3 tháng sau 3 năm ấp ủ và học tập về phương pháp này ở Singapore, Malaysia, Ấn Độ cũng như mời các chuyên gia về đào tạo trực tiếp. Đến nay, gần 100 bệnh nhân đã thực hiện, thành công khoảng 70 ca, rất khả quan.

- Là người trực tiếp điều trị bệnh nhân bạch biến, cảm xúc của anh khi có thể thực hiện thành công phương pháp này tại Việt Nam?

- Để đạt được thành công này, chúng tôi đổ rất nhiều mồ hôi, công sức, tâm huyết. Tất cả vì mục tiêu đem lại những điều tốt đẹp cho bệnh nhân. Trước khi có những thành công hiện tại, chúng tôi phải đau xót chứng kiến vài bệnh nhân đầu gặp tác dụng không mong muốn của phương pháp.

Do đó, cảm xúc lo lắng, đau xót vì thất bại là thứ đầu tiên. Nó càng thôi thúc chúng tôi nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện phương pháp. Khi bệnh nhân bắt đầu có những đốm đen sau ca ghép tế bào, đó là sự hạnh phúc. Nhiều bệnh nhân theo tôi 3-4 năm chờ đợi đằng đẵng để tìm kiếm một phương pháp điều trị. Vì những lời hứa, sự kỳ vọng, tin tưởng, nên khi đạt được hiệu quả, cảm xúc của tôi thực sự rất khó tả.

 Tế bào qua các bước được ghép trực tiếp vào vùng da bạch biến của bệnh nhân. Ảnh: Phạm Thắng.

Tế bào qua các bước được ghép trực tiếp vào vùng da bạch biến của bệnh nhân. Ảnh: Phạm Thắng.

- Việc triển khai phương pháp này mang lại cho bệnh nhân điều gì?

- Đó là phục hồi lại màu da bình thường như bất cứ ai. Bệnh nhân gần như chỉ cần làm một lần hoặc muốn hiệu quả cao thì có thể làm nhiều lần. Khi mắc căn bệnh này, họ luôn có sự mặc cảm, tự ti khi hòa mình vào cuộc sống. Đôi khi, họ chỉ muốn mặc váy mà không dám, điều đó dường như rất xa xỉ với những bệnh nhân nữ. Họ thậm chí rụt rè khi bắt tay, nhìn thẳng vào mặt ai đó.

Do đó, phương pháp này mở ra hy vọng rất lớn cho những bệnh nhân bạch biến kháng trị. Trong một số thể lâm sàng nhất định, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Chi phí ghép tế bào ở Việt Nam rẻ bằng 1/10 nhiều nước

- Tất cả bệnh nhân bạch biến đều có thể ghép tế bào để chữa? Quy trình thực hiện ra sao?

- Như đã nói, phương pháp này được chỉ định trong một số thể bạch biến nhất định, lựa chọn sau những phương pháp điều trị không xâm lấn khác như bôi thuốc và chiếu tia, tức khi chúng thất bại thì mới áp dụng ghép tế bào thượng bì tự thân. Bạch biến thể đoạn và thể thông thường kháng điều trị, không tác dụng với các biện pháp kia có thể được chỉ định.

Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng trong điều trị các rối loạn giảm sắc tố khác như bớt giảm sắc tố bẩm sinh, giảm sắc tố sau viêm, giảm sắc tố sau laser, giảm sắc tố sau bỏng...

Với phương pháp này, chúng tôi sẽ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỷ lệ 1/5 hoặc 1/10 nếu tổn thương rộng. Sau đó, miếng da sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào và ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser). Tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng một tuần.

Mỗi bệnh nhân mất khoảng 2-4 tiếng để hoàn thành xong tất cả quy trình tùy vào diện tích tổn thương. Thời gian để đạt hiệu quả thường sau 1-2 tháng, tối đa 6-12 tháng. Để đạt hiệu quả điều trị cao, tốt nhất người bệnh nên kết hợp với điều trị bằng ánh sáng trị liệu.

 Thời gian để đạt hiệu quả thường sau 1-2 tháng, tối đa 6-12 tháng. Nữ bệnh nhân đã có những đốm đen chỉ sau ca ghép 2 tuần. Ảnh: Phạm Thắng.

Thời gian để đạt hiệu quả thường sau 1-2 tháng, tối đa 6-12 tháng. Nữ bệnh nhân đã có những đốm đen chỉ sau ca ghép 2 tuần. Ảnh: Phạm Thắng.

- Bệnh viện Da liễu Trung ương là đơn vị đầu tiên thực hiện phương pháp này? Trên thế giới thì sao?

- Trước đây, viện chúng tôi từng triển khai kỹ thuật ghép da, đơn thuần là lấy da từ vùng khác ghép lên vùng bạch biến song ít thành công. Còn với ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy, trong tuyến da liễu chưa có bệnh viện nào làm. Chúng tôi là đơn vị làm chuẩn đầu tiên và duy nhất hiện nay với lượng bệnh nhân lớn. Chúng tôi đi theo hướng sử dụng những vật tư, phương tiện hiện đại tiên tiến nhất để đạt hiệu quả cao nhất.

Còn trên thế giới, phương pháp này sơ khai nhất từ năm 1992 và bắt đầu áp dụng rộng rãi từ năm 2000.

Bản thân tôi đã đọc rất nhiều về nó, rồi tìm trong các hội nghị có nói về phương pháp này, sau đó xin email trao đổi. Tôi học một khóa ở Singapore, một ở Malaysia và 2 lần ở Ấn Độ. Từ những thất bại, nhiều nhân viên y tế khác nói với tôi rằng chúng khó áp dụng ở Việt Nam. Điều đó đã tạo cho tôi nhiều áp lực, nhưng tôi luôn có niềm tin mãnh liệt phương pháp này sẽ thành công và chưa bao giờ chùn bước. Tôi luôn quan niệm nếu thất bại lại đi học tiếp. Cuối cùng nó đã thành công.

- Chi phí ca ghép tế bào như thế nào?

- Chi phí người bệnh phải trả khoảng 25 triệu với diện tích tổn thương dưới 10 cm, 30 triệu với 10-20 cm, 35 triệu nếu trên 20 cm. Ở Singapore, chi phí này là gần 200 triệu, châu Âu vài trăm triệu trong khi hiệu quả về cơ bản như nhau. Chúng tôi tự tin có thể làm thường quy tại viện.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/niem-hy-vong-cua-nhung-co-gai-coi-mac-vay-la-dieu-xa-xi-post1100208.html